Hiện Châu Âu đang tìm mọi cách để nhắm bịt kín "các lỗ hổng" trong 10 vòng trừng phạt trước đó nhằm vào Nga. Họ thừa nhận đã có nhiều cách để "lách trừng phạt" mà các công ty châu Âu yêu thích, như việc tráo đổi nguồn gốc hàng hóa, sử dụng vận chuyển thông qua nhiều bên thứ ba... để tiếp tục giao dịch với Nga.
Nhưng theo lập luận của phía Hy Lạp, việc ngăn chặn các phương án "lách trừng phạt" của một số công ty châu Âu đòi hỏi cách kiểm soát mang tính kỹ thuật hơn là "quy chụp" các công ty đó đang "tài trợ chiến tranh".
Một nhà ngoại giao thuật lại với Politico: "Hy Lạp cho rằng, nếu có bằng chứng cụ thể về việc vi phạm các biện pháp trừng phạt, những điều này cần được các quốc gia thành viên liên quan chú ý, ở cấp độ kỹ thuật, để điều này được điều tra đầy đủ và sau đó sẽ có hành động thích đáng... Trong khi đó, nếu nằm trong danh sách 'Nhà tài trợ chiến tranh Ukraine', các công ty Hy Lạp sẽ bị gắn mác trên khắp thế giới dù họ có thể không vi phạm các biện pháp trừng phạt Nga."
Một nhà ngoại giao EU khác nói rằng, họ đồng cảm với lập trường của Hy Lạp, nhưng “câu hỏi đặt ra là việc đưa các công ty vào danh sách của Ukraine sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế Hy Lạp đến mức nào".
Theo người này, đại diện Hy Lạp chỉ nói chung chung rằng, việc các công ty của họ bị đưa vào danh sách tài trợ chiến tranh Ukraine sẽ "rất thiệt hại" cho nền kinh tế của họ chứ không có con số cụ thể như thế nào.