“Không phải là chúng tôi không muốn, mà là vì máy bay của chúng tôi đã ngừng hoạt động, chúng đã quá cũ. Chúng tôi không thể gửi những chiếc máy bay này đến Ukraine khi mà bản thân chúng tôi không còn sử dụng", ông Goetynck nêu rõ, lưu ý thêm những chiếc máy bay này đã bay quá nhiều giờ nên kết cấu của chúng đã bị hao mòn.
Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo đã tuyên bố vào tháng 2 năm nay rằng nước này sẽ không cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine và điều này được Bộ trưởng Quốc phòng Bỉ Ludivine Dedonder xác nhận vào tháng 5 vừa qua.
Trong khi Thủ tướng De Croo nhấn mạnh sự cần thiết của những chiếc máy bay này đối với quân đội Bỉ và NATO, Bộ trưởng Dedonder tuyên bố nước này không thể gửi F-16 tới Ukraine vì chúng “đã ở giai đoạn lão hóa”, ngay cả khi Mỹ "bật đèn xanh" để chuyển giao.
Tướng Goetynck cho biết thêm: “Bỉ đã gửi vũ khí, xe bọc thép Lynx và hơn 200 xe tải tới Ukraine, cũng như đạn dược, nhiên liệu và thiết bị y tế. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Bỉ sẽ gửi những chiếc F-16 cũ tới Ukraine sau khi những chiếc F-35 đầu tiên được chuyển giao cho quân đội Bỉ".
Ngoài viện trợ quân sự, Bỉ đã phê duyệt gói hỗ trợ mới nhất cho Ukraine vào tháng 6/2023, bổ sung 24 triệu euro vào số tiền 61,5 triệu euro mà Bỉ dành cho viện trợ vào năm ngoái. Bên cạnh đó, Tướng Goetynck cũng thừa nhận rằng nước này "đang đạt đến giới hạn những gì có thể cung cấp cho Ukraine khi việc bổ sung đạn dược là một cơn ác mộng vốn phải mất nhiều năm”.
Ngay cả trước khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine, kho đạn dược của Bỉ đã ở mức thấp. Ông Goetynck nói: “Để đưa lượng dự trữ của chúng tôi đạt tiêu chuẩn NATO, sẽ phải đầu tư ít nhất 7 tỷ euro. Trong 10 năm tới, con số này là 700 triệu euro mỗi năm. So với nguồn lực hiện tại của chúng tôi thì đó là rất lớn. Nhưng chúng tôi vẫn hy vọng rằng chúng tôi sẽ có thể khôi phục lại nguồn dự trữ của mình trong vòng 10 năm”.
Năm nay, chi tiêu quốc phòng của Bỉ đạt 1,21% GDP. Bỉ đã cam kết đáp ứng mục tiêu chi tiêu 2% của NATO. Để đạt được mục tiêu này, Bỉ sẽ tăng gấp đôi chi tiêu cho quân sự trong thập kỷ tới. Nhưng ông Goetynck phàn nàn rằng mặc dù chi tiêu quốc phòng đã tăng đáng kể trong những năm gần đây (so với 0,89% GDP năm 2019), nguồn tài trợ hiện tại sẽ không đủ cho nhu cầu của quân đội.