Lý do chọn 22,5 làm mốc giảm điểm ưu tiên

03/03/2023, 12:28
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết căn cứ giảm điểm ưu tiên với thí sinh đạt 22,5 điểm dựa trên việc phân tích, đánh giá dữ liệu các năm trước.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 sẽ được tổ chức trong 4 ngày 27, 28, 29 và 30/6. Ảnh: Việt Linh.

Từ năm 2023, Bộ GD&ĐT điều chỉnh cách tính điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên. Điểm của thí sinh càng cao, mức điểm ưu tiên càng thấp.

Thí sinh đạt 30 điểm không còn điểm ưu tiên. Như vậy, không thí sinh nào có điểm xét tuyển vượt quá 30, các ngành điểm cao việc cạnh tranh sẽ công bằng hơn.

Giảm điểm ưu tiên

Trao đổi tại Hội nghị tuyển sinh năm 2023, đại diện Đại học Thái Nguyên đặt vấn đề tại sao Bộ GD&ĐT không đặt ngưỡng giảm điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt từ 20 điểm.

"Ví dụ, 20 điểm dùng phép chia cho 10 sẽ phần nào thuận lợi hơn trong việc cộng điểm. Không rõ bộ dựa trên cơ sở dữ liệu nào để đưa ra mức điểm 22,5", đại diện Đại học Thái Nguyên đặt câu hỏi.

Trả lời trực tiếp, ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cho biết mức điểm này được đưa ra dựa trên cơ sở khoa học, phân tích dữ liệu mà ra.

Sau khi phân tích và nhận thấy sự bất hợp lý, bộ có sự điều chỉnh và đưa ra mức điểm đó, đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh.

"Chúng tôi không dùng 22,5 hay 20 điểm để dễ chia vì nếu tính bằng máy thì như nhau", ông Sơn nói.

Trước đó, Bộ GD&ĐT có thông tin qua thống kê điểm thi tốt nghiệp THPT 3 năm qua, nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên (chiếm 25% tổng số thí sinh tốt nghiệp) luôn có phổ điểm tổng 3 môn cao hơn hẳn so với các nhóm thí sinh còn lại.

Sau khi cộng điểm ưu tiên theo quy định, tỷ lệ thí sinh có tổng điểm 3 môn dưới 22,5 điểm của nhóm đã cộng điểm ưu tiên tiệm cận với nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên.

Điều này chứng tỏ việc cộng điểm ưu tiên đã tạo sự công bằng, gia tăng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho những nhóm thí sinh có điều kiện khó khăn hơn.

Tuy nhiên, phân tích dữ liệu cho thấy sự bất hợp lý là tỷ lệ các thí sinh đạt điểm cao từ 22,5 điểm trở lên của nhóm được ưu tiên lại tăng vọt, cao hơn hẳn (ở nhiều mức điểm thậm chí tỷ lệ này cao gấp đôi) so với nhóm thí sinh không thuộc diện ưu tiên.

Điều này dẫn tới sự mất công bằng khi các thí sinh xét tuyển vào các ngành, các trường có mức độ cạnh tranh cao, dẫn tới hiện tượng một số ngành có điểm chuẩn 30.

tuyen sinh 2023 anh 1
Phân tích dữ liệu cho thấy sự bất hợp lý là tỷ lệ các thí sinh đạt điểm cao từ 22,5 điểm trở lên của nhóm được ưu tiên lại tăng vọt so với nhóm thí sinh không thuộc diện ưu tiên. Ảnh: Việt Linh.

Không yêu cầu các trường loại bỏ phương thức xét tuyển không hiệu quả

Cũng tại hội nghị, TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TP.HCM, nhận định hiện tại có quá nhiều phương thức xét tuyển.

Tuy nhiên, TS Chính cho rằng Bộ GD&ĐT nên đánh giá kỹ hơn bởi mỗi phương thức xét tuyển có tính đặc thù của từng trường.

"Mỗi trường lại có một phương thức tuyển sinh khác nhau nhưng các phương thức lại thể hiện định hướng, đặc thù của mỗi trường, không nên yêu cầu các trường dẹp bỏ những phương thức tuyển sinh kém hiệu quả về số lượng. Nếu chỉ dựa vào số lượng thí sinh trúng tuyển mà đánh giá phương thức hiệu quả, nó chưa hoàn toàn chính xác", ông Chính nói.

Trong khi đó, TS Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Đại học Nông Lâm TP.HCM, cho rằng bộ nên có thêm thông tin về tỷ lệ thí sinh xét tuyển bằng các phương thức của từng trường để so sánh chung với số liệu toàn quốc

"Ví dụ, ở nhiều trường, thí sinh xét tuyển bằng một số phương thức chiếm tỷ lệ rất cao. Tuy nhiên, khi so sánh tỷ lệ đó với số liệu chung của cả nước lại rất thấp", ông Lý nói.

Trao đổi vấn đề trên, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhận định bộ không chỉ nhìn vào số liệu mà còn nhiều yếu tố khác để đưa ra đánh giá chung các phương thức.

Tuy nhiên, bộ không yêu cầu các trường phải bỏ phương thức tuyển sinh. Thay vào đó, đây là cơ hội để các trường đánh ra phương thức tuyển sinh không phù hợp.

"Từng trường đã có cơ sở dữ liệu của mình, trách nhiệm của các trường là phân tích sự tương quan giữa các phương thức dựa trên điểm đầu vào, kết quả học tập sau khi trúng tuyển... từ đó đưa ra chỉ tiêu cho các phương thức khi tuyển sinh", ông Sơn nói.

Bài liên quan
Quy định về cộng điểm ưu tiên: Bảo đảm quyền lợi giữa các nhóm thí sinh
Quy chế tuyển sinh 2022 đưa ra mức điều chỉnh giảm dần đều điểm ưu tiên khi thí sinh đạt từ 22,5 điểm cho đến mức điểm 30 điểm thì không cộng điểm ưu tiên nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lý do chọn 22,5 làm mốc giảm điểm ưu tiên