Thứ hai, sự chủ động tiếp nhận kiến thức lịch sử của học sinh THPT đang có sự thay đổi tích cực. Trong các trường phổ thông hiện nay, vấn đề nâng cao kĩ năng và phương pháp học tập luôn được coi trọng. Đối với môn lịch sử, nhiều diễn đàn giảng dạy, học tập, trao đổi kinh nghiệm đã ra đời, thu hút hàng chục nghìn thầy cô giáo. Các phương pháp, kĩ thuật dạy học được cập nhật, thay đổi cho phù hợp.
Bên cạnh thời gian học tập ở trường và từ thầy cô, nhiều video học tập lịch sử đã ra đời, cung cấp những kiến thức lịch sử thú vị, bổ ích. Bên cạnh đó, những áp lực và lo lắng của thí sinh khi phân tích phổ điểm thi của năm ngoái càng thúc đẩy thí sinh đầu tư thời gian, công sức cho môn học này.
Thứ ba, phương pháp và cách tiếp cận trong việc dạy và học môn sử đang đúng hướng. Nhiều học sinh yêu thích môn lịch sử nhưng lại sợ thi môn sử. Số lượng điểm liệt và dưới trung bình môn sử trong các kỳ thi THPT Quốc gia năm trước đã tạo ra những áp lực to lớn đối với các thầy cô và học sinh. Môn lịch sử đã từng trở thành môn lựa chọn buộc thầy cô phải tích cực thay đổi để thu hút nhiều học sinh lựa chọn môn học này. Bên cạnh thời gian trên lớp, nhiều thầy cô chủ động sử dụng mạng xã hội để giảng dạy, hướng dẫn, ôn thi miễn phí cho học sinh. Học sinh có thể tiếp cận kiến thức lịch sử không chỉ ở trên lớp mà còn thông qua các trang youtube, tiktok...
Kết quả thi môn lịch sử có dấu hiệu khởi sắc là tín hiệu vui đối với nhiều người: từ những nhà giáo dục cho tới phụ huynh, học sinh. Thế nhưng cần phải có cái nhìn xa hơn để thấy rõ những sự thay đổi điểm số này đến chủ yếu từ đề thi dễ, học sinh biến nỗi sợ thành động lực để đầu tư thời gian cho môn sử nhiều hơn, thầy cô đang thay đổi... Còn rất nhiều vấn đề phải cải thiện về phương pháp dạy và học môn lịch sử trong bối cảnh chương trình, sách giáo khoa mới.
“Hi vọng rằng, điểm thi môn sử năm nay sẽ tạo ra những cảm hứng lớn hơn để học sinh không còn sợ sử, biến áp lực thành động lực, các thầy cô tự tin hơn để thay đổi mạnh mẽ trong việc dạy và học. Đặc biệt khi chỉ còn hơn 1 tháng nữa, lớp 10 sẽ bắt đầu học theo chương trình và sách giáo khoa lịch sử mới.
Với khoảng 20% tổ hợp xét tuyển đại học, cao đẳng có sử dụng kết quả thi THPT Quốc gia môn lịch sử, trong bối cảnh phổ điểm một số môn bị suy giảm so với năm ngoái, chắc chắn nhiều thí sinh sẽ thay đổi tổ hợp môn xét tuyển theo hướng ưu tiên. Điểm chuẩn của các ngành xét điểm có liên quan đến môn lịch sử hoặc tổ hợp môn học KHXH sẽ cao hơn so với nhiều năm”, TS Phạm Văn Giềng nhấn mạnh.