Tại Trung Quốc, Bích Ngọc (sinh viên Học viện Hý kịch Trung ương, Trung Quốc) và một số bạn học được thầy chủ nhiệm mời về nhà, cùng nhau sửa soạn bữa cơm tất niên. Ban đầu, Ngọc dự định làm thêm món nem rán, nhưng do không tìm được đủ nguyên liệu, cô bạn cùng mọi người làm các món ăn truyền thống ngày Tết của Trung Quốc như sủi cảo, vịt quay Bắc Kinh, mì trường thọ, thịt chua ngọt... |
Trong khi đó, tại Anh, Minh Châu (2000 - ở giữa) cũng được các du học sinh Trung Quốc mời đến nhà trong bữa cơm mừng năm mới. Châu cho biết sủi cảo là món ăn truyền thống ngày đầu năm của người Trung Quốc, tượng trưng cho may mắn, viên mãn. Cô bạn được trải nghiệm tự tay cán bột, thêm nhân và nặn từng viên. |
Tại Đức, Thanh Huyền (2002) cùng 3 bạn người Việt cùng nhà cũng tổ chức bữa ăn tiễn năm cũ với các món nem rán, gà luộc, sườn xào chua ngọt, xôi ruốc, canh miến... Bánh chưng cũng được 4 anh chị em gói từ chiều ngày hôm trước (29 Tết). Tuy được gói bằng lá chuối thay vì lá dong, Huyền cho biết mùi vị của bánh không khác biệt so với Việt Nam. Đối với cô, đó còn là vị của quê nhà. Đây cũng là mâm cơm đón năm mới của Huyền bởi ngày mùng 1, Huyền sẽ không làm cơm nữa mà cùng cả nhà đi chùa cầu an. |
Trong khi đó, tại Nhật Bản, Duy Nghĩa (2002) đã đi chợ, mua bánh chưng, bày biện mâm ngũ quả từ chiều ngày 28 Tết. Nam sinh cũng mua thêm hoa sen giả, đèn lồng, đèn nháy để trang trí xung quanh cho có không khí Tết. Chiều 30 Tết, Nghĩa cùng anh trai đi chợ, chuẩn bị bữa cơm tất niên, mời thêm 4 bạn du học sinh gần nhà đến dự. Nghĩa đảm nhiệm việc gói nem, luộc gà, nấu thêm bát canh miến như mẹ vẫn hay làm. Tương tự Huyền, với Nghĩa, đây cũng là mâm cơm đón năm mới bởi ngày mùng 1, 2 anh em cậu phải đi làm để có thêm thu nhập lo tiền nhà, tiền học phí. |