Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) điểm lại một số hình thức lừa đảo trực tuyến trong tuần từ 18/8 - 25/8 để người dân chủ động phòng tránh.
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện nội dung tỷ phú Phạm Nhật Vượng và NSND Xuân Bắc có “cú bắt tay lịch sử 2 triệu USD”. Cùng với đó, NSND Xuân Bắc đã lên tiếng khẳng định về sự việc hình ảnh của nam nghệ sĩ bị đối tượng xấu lấy cắp và sử dụng cho mục đích lừa đảo.
Đối với hình thức lừa đảo “giả mạo thương hiệu”, “giả mạo nghệ sĩ” trên, các đối tượng sẽ tạo lập nhiều các trang Fanpage, trang mạng xã hội giả mạo vô cùng tinh vi và chuyên nghiệp. Trang web giả mạo có giao diện trông giống như trang web chính thức của một thương hiệu nổi tiếng.
Đối tượng còn có thể sử dụng các tên miền tương tự hoặc thay đổi một vài ký tự để làm cho trang web trông hợp lệ.
Để tăng mức độ uy tín, các đối tượng còn tạo ra các tài liệu, quảng cáo, hoặc sản phẩm với tên và logo của thương hiệu uy tín, đồng thời cắt ghép hình ảnh của những nghệ sĩ nổi tiếng.
Những bài đăng của đối tượng lừa đảo trên thường có nội dung vô cùng hấp dẫn như các chương trình khuyến mãi, giảm giá mạnh, sản phẩm giá siêu rẻ so với thị trường,... nhằm thu hút sự chú ý và đánh lừa người tiêu dùng.
Do đó, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dâncẩn trọng trước những thông tin không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội. Tuyệt đối không truy cập vào các đường dẫn lạ; không tải về các ứng dụng không rõ nguồn gốc. Không cung cấp thông tin cá nhân dưới mọi hình thức.
Thời gian qua, thực trạng lừa đảo mạo danh Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex/Tập đoàn) và các đơn vị thành viên của Petrolimex đang ngày càng gia tăng.
Các đối tượng sử dụng hàng loạt chiêu trò như: Tuyển dụng online, tạo đơn hàng online, mở thẻ vay tiền, giả mạo nhân viên bán xăng…
Các đối tượng thường tạo lập những trang web giả mạo với tên miền tương tự như của công ty chính thức; sử dụng email giả để gửi thông báo tuyển dụng, phỏng vấn hoặc yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân. Đồng thời, sử dụng hình ảnh, thông tin của doanh nghiệp một cách trái phép để đăng tin tuyển dụng nhân sự với mục đích lừa đảo.
Trước thực trạng trên,Cục An toàn thông tin cảnh cáongười lao động cần tuyệt đối cẩn trọng trước các lời mời chào về những công việc trên mạng xã hội.
Người lao động cần truy cập trang web chính thức của công ty hoặc liên hệ trực tiếp với phòng nhân sự qua thông tin liên lạc công khai để xác nhận tính hợp lệ của thông tin tuyển dụng.
Tuyệt đối không dựa vào thông tin từ email hoặc tin nhắn không rõ nguồn gốc. Sử dụng các dịch vụ tra cứu doanh nghiệp hoặc cơ quan đăng ký doanh nghiệp để xác minh thông tin về công ty.
Không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm; không truy cập vào đường dẫn lạ hoặc tải về những ứng dụng, tệp tin không rõ nguồn gốc.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Pakistan, Công ty A (Việt Nam) có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu chế biến thủy sản xuất khẩu. Tháng 5/2024, Công ty A nhận được thư chào hàng nguyên liệu thủy sản chất lượng cao với giá hấp dẫn từ khách hàng X (Pakistan) là đại diện của Công ty Y (Pakistan).
Qua kiểm tra thông tin của Công ty Y theo địa chỉ website, Công ty A đánh giá đây là một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn và có uy tín tại Pakistan, nên lập tức ký hợp đồng và chuyển 5.000 USD tiền đặt cọc.
Sau khi nhận được tiền đặt cọc, khách hàng X không giao hàng theo thời hạn hợp đồng và cũng không trả lời rõ ràng các câu hỏi của Công ty A.
Đối với hình thức lừa đảo trên, thủ đoạn của các đối tượng là mở tài khoản mạo danh các công ty có thật tại nước ngoài, liên hệ với các công ty/doanh nghiệp thương mại có nhu cầu xuất nhập khẩu tại Việt Nam để giao dịch.
Để lấy được lòng tin của nạn nhân, đối tượng làm giả các giấy tờ như bản sao B/L, bản sao giấy chứng nhận chất lượng, bản sao giấy chứng nhận xuất xứ,... Tuy nhiên, sau khi nhận tiền đặt cọc từ phía doanh nghiệp Việt Nam, đối tượng biến mất, xóa sạch mọi dấu vết nhằm chiếm đoạt tài sản.
Vì vậy, các doanh nghiệp cần tuyệt đối cẩn trọng khi thực hiện bất cứ giao dịch nào trên thị trường quốc tế. Trước khi giao dịch, hãy kiểm tra kỹ lưỡng thông tin về đối tác, sử dụng các dịch vụ tra cứu uy tín, như các cơ quan thương mại quốc tế hoặc tổ chức tín dụng, để xác nhận tính hợp pháp của doanh nghiệp và đối tác kinh doanh.
Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai vừa ra quyết định khởi tố vụ án, tạm giam đối với Lưu Văn Thái (SN 1985, ngụ xã Mỹ Đức, H. An Lão, TP. Hải Phòng) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trên không gian mạng.
Cụ thể, trước đó, anh N.K (ngụ tỉnh Bình Định) nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là Kỳ, đang công tác tại một đơn vị Quân đội trên địa bàn tỉnh Gia Lai và cần mua cám, heo giống số lượng lớn.
Khi anh N.K nói mình không kinh doanh heo giống, Kỳ liền nhờ anh K đặt heo ở “Công ty TNHH Cơ khí Khoa Đăng 88”.
Để tạo lòng tin, Kỳ còn làm giả lệnh chuyển tiền vào tài khoản của anh K số tiền 715 triệu đặt cọc. Tin tưởng, anh K đã chuyển vào tài khoản ngân hàng giả mạo của đối tượng số tiền 378 triệu đồng đặt mua heo giống rồi bị chiếm đoạt hoàn toàn.
Trước tình hình lừa đảo trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần cẩn trọng, thực hiện kiểm tra kỹ thông tin của các tài khoản ngân hàng hoặc các trang web mua sắm trước khi thực hiện giao dịch. Đảm bảo rằng bạn đang giao dịch với một nguồn tin cậy bằng cách kiểm tra địa chỉ trang web và thông tin liên hệ chính thức.
Ngoài ra, người dùng cần thường xuyên cập nhật mật khẩu, cài đặt xác thực hai yếu tố, sử dụng mật khẩu mạnh cho các tài khoản ngân hàng.