Đặt vấn đề trường hợp hết thời hạn quy định mà vẫn chưa ban hành kết luận thanh tra thì xử lý ra sao, bà Thúy nêu thực trạng còn gần 30 cuộc thanh tra của các cơ quan thanh tra trung ương đối với bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đến nay vẫn chưa có kết luận. "Thời gian chậm ban hành từ 1 năm đến hơn 6 năm theo Luật Thanh tra hiện hành mà cũng không rõ nguyên nhân do đâu, trách nhiệm thuộc về ai, đến bao giờ mới ban hành kết luận thanh tra?"- bà Thúy nhấn mạnh.
Cũng nêu quan tâm về vấn đề này, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) khẳng định: "Tôi có một danh sách năm 2021, có những cuộc thanh tra có quyết định thanh tra và thực hiện từ những năm 2015-2016, mấy chục đoàn thanh tra mà đến nay chưa có kết luận, năm 2021 vẫn giải quyết vấn đề chậm ban hành kết luận. Vậy nguyên nhân ở đâu, giải pháp khắc phục như thế nào và chế tài ra sao, việc này cũng phải xem xét".
Ông Hạ phân tích, đang có câu chuyện là người ra quyết định thanh tra, người ký kết luận thanh tra thì lại không tham gia đoàn thanh tra, trưởng đoàn thanh tra thì có trách nhiệm báo cáo lại với người quyết định thanh tra.
"Vậy khi có mâu thuẫn, có những vấn đề còn cấn cá trong quá trình thẩm định, cũng có thể là do khúc mắc giữa người ký quyết định với trưởng đoàn và đoàn thanh tra chưa thống nhất được nội dung kết luận và cũng có thể vì một nguyên nhân nào đó, một yếu tố nào đó kết luận thanh tra rồi mà không ban hành được kết luận thanh tra thì làm sao để khắc phục vấn đề này?. Chế tài ra làm sao cũng phải quy định rõ"- ông Hạ thẳng thắn.
"Kết luận thanh tra và kiểm toán trái nhau thì xử lý thế nào?"
Ông Tạ Văn Hạ nhấn mạnh dự thảo luật phải làm sao để làm sao tránh tạo áp lực nặng nề cho đơn vị bị thanh tra, nhất là các đơn vị sản xuất, kinh doanh.
"Khi đã có một đoàn thanh tra vào thì các đối tác ký hợp đồng đều rất dè dặt và rất khó khăn. Khi đã có thanh tra, kiểm toán vào thì cơ quan này vào thì cơ quan kia thôi. Vấn đề chất lượng là quan trọng"- ông nêu thực tế.
Hơn nữa phải tính tới trường hợp kết luận thanh tra và kiểm toán trái nhau thì xử lý thế nào? Nếu thanh tra kết luận như thế này, nhưng kiểm toán kết luận khác, thậm chí là trái ngược thì xử lý như thế nào?.
"Luật phải có quy định chế tài cho việc này ra sao, trách nhiệm của trưởng đoàn, của người ra kết luận?. Đó là những việc tôi thấy trong luật cần phải quy định rõ, cần phải nghiên cứu đến vấn đề này vì thực tế đã diễn ra rồi"- ông nói.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) dẫn ra quy định tại khoản 3 Điều 66 dự thảo luật quy định "trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì Trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo người ra quyết định thanh tra, chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định của pháp luật và thông báo cho VKSND cùng cấp biết để tránh việc xử lý chậm, làm cho việc đấu tranh phòng, chống tội phạm không kịp thời, bỏ lọt tội phạm, gây thất thoát hoặc hậu quả pháp lý xấu.
"Thực tế hiện nay đang có sự lấn cấn trong việc khi nào sẽ chuyển hồ sơ khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm, chuyển ngay hay sau khi đã kết thúc việc thanh tra. Tôi đề nghị điều chỉnh quy định này theo hướng "trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì Trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo ngay cho người ra quyết định thanh tra để nhanh chóng chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định của pháp luật và thông báo cho VKSND cùng cấp biết"- đại biểu đề xuất.