Sau một buổi xét hỏi, TAND huyện Hóc Môn (TP HCM) đã trả hồ sơ, điều tra bổ sung đối với hành vi của N.T.N (23 tuổi) và L.V.B (44 tuổi) trong vụ án bạo hành bé trai 3 tuổi. Tòa án cho rằng cơ quan điều tra và VKSND TP HCM đã bỏ lọt tội phạm.
Bạo hành trẻ em
Kết thúc phiên xử, N. vội đi ra cửa, đón lấy đứa con - chừng 6 tháng tuổi - đang khóc đòi mẹ từ tay một người bạn. Bị cáo ôm con vào lòng, thút thít khóc theo. Đứa trẻ là con của N. và B. - nhân tình của N. Còn nạn nhân trong vụ án là con của N. và chồng tên T.
Những vụ án bạo hành trẻ em thường khiến người ta ghê sợ. Nhiều người tự hỏi chuyện gì đã khiến kẻ ác nhẫn tâm bạo hành những đứa trẻ?
Trước tòa, N. và B. đều thừa nhận nghiện ma túy. B. từng "vào tù ra tội" vì dính tới ma túy từ hồi còn nhỏ. Năm 2010, B. ra tù, lấy vợ rồi lần lượt sinh 3 con. Khi con út mới hơn 1 tuổi, B. lại bị TAND quận 3 (TP HCM) tuyên 9 năm tù về tội "Tàng trữ trái phép chất ma túy". Không chấp nhận người chồng thường xuyên tù tội nên vợ đã ly hôn với B.
Chủ tọa hỏi N. vì sao khi chưa ly hôn với chồng lại chung sống với B.? N. trả lời muốn ly hôn nhưng chồng bị đưa đi cai nghiện nên không ai ký đơn. Năm 2022, N. về ở với B. có dắt theo 2 con nhỏ. Cũng từ lúc này, bi kịch ập đến với đứa trẻ vô tội.
Trong căn nhà xập xệ, tối tăm luôn khóa trái cửa của B. và N. (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP HCM), đôi nhân tình và bạn bè thường xuyên chìm đắm trong ma túy. B. biện minh cũng có con nhỏ, sống xa con nên thương các con của N. như con ruột. Vị chủ tọa gằn giọng: "Thương như con ruột nhưng sao đối xử với cháu bé như thế?". B. cúi gằm mặt, im lặng.
Nội dung các đoạn video thể hiện B. thường xuyên bắt con trai út của N. thực hiện những hành động khó hiểu, dù chưa gây tổn thương cơ thể cho cháu bé như kết quả giám định của cơ quan chức năng nêu trong cáo trạng nhưng những lần như thế, cháu bé đều khóc thét vì sợ hãi.
Hai bị cáo liên tục cúi đầu trong quá trình xét xử
Khi thì B. bắt cháu bé cầm chai nước suối đặt lên chiếc loa thùng cao ngang đầu cháu, 2 tay luôn giữ chai nước suối không được bỏ tay ra rồi chửi bới. Khi thì dùng băng keo trói tay và chân cháu, để cháu nằm dưới sàn nhà trong tình trạng không mặc quần áo. Khi lại dùng kéo dí vào dương vật của cháu hăm dọa cắt, sau đó B. dựng cháu dậy, cho uống sữa rồi cắt băng keo đưa cho cháu tự dán lên miệng...
Mất nhân tính
Đỉnh điểm tội ác, B. đã cho cháu bé hút ma túy (nội dung này nằm ngoài cáo trạng của VKSND TP HCM) như trước tòa B. đã kể chi tiết hành vi của mình. B. nói rằng sau khi hút ma túy xong thì thấy cháu bé đi tới. B. đốt bình ma túy đá rồi đưa ống hút cho cháu bé và nói: "Ê, tới lượt mày kìa, hút đi!". Cháu bé cầm ống đưa lên miệng, thổi ra khói.
Chủ tọa cho rằng bị cáo B. đã xúi giục đứa trẻ hút ma túy. Bị cáo khăng khăng: "Bị cáo không xúi, bị cáo chỉ giỡn". Vị chủ tọa bác: "Giỡn gì như thế, bị cáo đã xúi đứa trẻ".
Điều càng phẫn nộ hơn khi người mẹ chứng kiến và quay clip để gửi cho bạn bè "xem cho vui" - như lời bị cáo khai. Đến khi vụ việc vỡ lở, cơ quan chức năng còn phát hiện đứa trẻ dù đã 3 tuổi nhưng vẫn chưa được làm giấy khai sinh. N. khai với HĐXX lý do không làm giấy khai sinh cho cháu bé vì sợ chồng mình mang đi cầm (?).
Trong gần 3 giờ xét xử, N. nhiều lần chặm nước mắt. Còn bị cáo B. liên tục cúi gằm mặt, lo lắng. Không rõ các bị cáo có thật sự ăn năn hối cải và tình mẫu tử của người mẹ đã thực sự được thức tỉnh hay chỉ vì sợ hãi khi đối diện với phán quyết của tòa?
Điều may mắn nhất trong vụ án này là không ghi nhận bị tổn thương trên cơ thể cháu bé. Hiện cháu đang được chăm sóc đặc biệt tại Làng Trẻ em SOS. Đứa trẻ đang được sống tốt hơn trước đây rất nhiều nhưng làm sao có thể tránh khỏi quấy khóc hay những đêm thao thức nhớ mẹ.
Tuy nhiên, đây không phải là đứa trẻ đáng thương duy nhất trong vụ án. Bé trai còn một anh ruột 5 tuổi và một em trai cùng mẹ khác cha - đứa trẻ mà N. bế đến tòa vì không có ai để gửi trông hộ. Các em còn quá nhỏ để hiểu chuyện. Hiện tại, chưa biết tương lai các em đi về đâu khi những ngày tháng sắp tới, mẹ sẽ phải trả giá cho những hành vi vi phạm pháp luật.
Theo luật, vụ án có bị hại là trẻ em phải xét xử kín nhưng phiên tòa hôm đó được mở công khai. Đó cũng là cách vừa cảnh tỉnh mọi người trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em vừa tăng tính răn đe với bị cáo và những người có hành vi tương tự. |