'Mềm' hóa giờ chào cờ

28/11/2023, 07:41
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đổi mới hình thức, nội dung khiến sinh hoạt dưới cờ tại các trường học Hà Tĩnh đã trở thành hoạt động được học sinh mong chờ.

Ngày thứ Hai vui vẻ

Từ lâu, hoạt động chào cờ vào sáng thứ 2 luôn được học sinh Trường Tiểu học Ích Hậu (huyện Lộc Hà) háo hức. Đúng 7 giờ 15 phút, sau tiếng kẻng báo hiệu, học sinh khẩn trương ổn định chỗ ngồi, nghiêm túc thực hiện theo nghi thức. Sau phần nghi lễ và nhận xét hoạt động trong tuần, các em được trải nghiệm nhiều hoạt động dưới cờ hấp dẫn.

Theo phân công, học sinh lớp 5C hóa thân thành các nhân vật trong câu chuyện “Lòng dân” (tập đọc lớp 5) để biểu diễn cho hơn 600 học sinh toàn trường. Để chuẩn bị cho giờ chào cờ, trước đó, các em hăng say tập luyện dưới sự hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm. Tiết mục còn được đầu tư trang phục nhằm lột tả sinh động đặc điểm các nhân vật.

“Em thấy các bạn biểu diễn rất hay, bám sát nội dung bài đọc. Em hy vọng tuần tới lớp em cũng hoàn thành tốt vở kịch đã chọn”, em Trần Vân Anh - lớp 5D hào hứng nói.

Theo cô Vũ Thị Lý – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ích Hậu, bám sát chủ điểm từng tháng, mỗi lớp trực tuần chủ trì tổ chức, tập luyện, biểu diễn các tiết mục đặc sắc khác nhau. Sự sáng tạo của từng khối lớp trong mỗi chủ điểm làm giờ chào cờ không còn đơn điệu, tẻ nhạt. Chính vì vậy, học sinh luôn đón chờ và tham gia nhiệt tình.

Nằm ở địa bàn vùng sâu xa, nhưng Trường THCS Phú Gia (Hương Khê) là điểm sáng của ngành Giáo dục Hà Tĩnh trong đổi mới tiết sinh hoạt dưới cờ. Vào sáng thứ 2 hằng tuần, học sinh nhà trường lại háo hức bởi nhiều năm qua, tiết mục chia sẻ sách truyện trở thành một phần không thể thiếu của nghi lễ quan trọng này.

Buổi sinh hoạt tuần giữa tháng 11 này, học sinh toàn trường lắng nghe các bạn trong câu lạc bộ sách giới thiệu cuốn Những tấm lòng cao cả. Không chỉ nêu lên nội dung, các em còn nói về điểm hấp dẫn của tác phẩm. Tiếp đó, học sinh hào hứng tham gia trò chơi giải câu đố liên quan đến nội dung sách. Sau mỗi câu hỏi đặt ra, dưới sân trường những cánh tay thay nhau xin được trả lời. Mỗi câu trả lời đúng nhận được tràng pháo tay khích lệ kèm một phần quà nhỏ.

Thực hiện đổi mới nội dung, hình thức tổ chức giờ chào cờ, Trường THCS Phú Gia đưa văn hóa đọc đến học sinh. Theo thầy Hoàng Minh Cường - Tổng phụ trách Đội, chương trình giới thiệu sách nhằm phát triển văn hóa đọc cho học sinh được nhà trường triển khai thường xuyên trong tiết chào cờ. Mỗi tháng, cán bộ tổ xã hội sẽ giới thiệu ít nhất hai quyển sách mới để kích thích các em hứng thú tìm và đọc sách, từ đó phát triển văn hóa đọc.

Học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng tái hiện tình huống tại phiên tòa giả định.
Học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng tái hiện tình huống tại phiên tòa giả định.

Đa dạng hình thức, nội dung

Từ năm học 2020 - 2021, thực hiện Chương trình GDPT 2018, tiết sinh hoạt sau lễ chào cờ có tên gọi sinh hoạt dưới cờ. Các trường học Hà Tĩnh thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức triển khai. Tiết chào cờ khô khan được “mềm” hóa bằng những chủ đề gần gũi, thú vị cuốn hút học sinh. Không chỉ nội dung sinh hoạt dưới cờ phong phú hơn mà hình thức cũng hấp dẫn, sôi nổi.

Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (9/11), thông qua hoạt động sinh hoạt dưới cờ, nhiều trường học tổ chức “Phiên tòa giả định” tuyên truyền pháp luật, an toàn giao thông. Tại Trường THPT Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh), đại biểu và gần 1.700 học sinh, giáo viên nhà trường được xem tiểu phẩm tình huống phạm tội dàn dựng dựa trên vụ việc có thật. Thông qua phiên tòa, nhà trường cùng các chuyên gia đã lồng ghép kiến thức pháp luật qua câu hỏi, trả lời liên quan tới việc phòng, chống lừa đảo trên môi trường mạng.

“Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin tiềm ẩn nhiều nguy cơ, cạm bẫy. Đặc biệt, học sinh dễ sa vào nếu không được cảnh báo. Vì vậy, tuyên truyền trực quan, hấp dẫn sẽ giúp các em hứng thú và ghi nhớ hơn. Nhà trường tin rằng không chỉ giúp học sinh bảo vệ bản thân, mà còn có thể cảnh báo đến người thân các em”, cô Trần Thị Nga - Phó Hiệu trưởng nhà trường thông tin.

Cũng theo cô Nga, sinh hoạt dưới cờ đầu tuần là một trong những “kênh” hiệu quả để trường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Vấn đề đặt ra phải tổ chức thiết thực, phù hợp, không rơi vào hình thức, thành tích. Hiện, hoạt động sinh hoạt dưới cờ được nhà trường giao cho học sinh tự triển khai, nắm vai trò chủ thể dưới sự quản lý của giáo viên phụ trách.

“Sinh hoạt dưới cờ dần trở thành sân chơi bổ ích, mang lại hứng thú, giáo dục đạo đức, rèn kỹ năng cho học sinh. Qua đó, nhà trường hướng đến mục tiêu giúp các em phát triển toàn diện, phát huy phẩm chất, lan tỏa những thông điệp giáo dục ý nghĩa”, cô Nga nhấn mạnh.

Tại Trường THCS Tô Hiến Thành (Thạch Hà), hơn 900 học sinh đã tìm hiểu về pháp luật dưới sự hướng dẫn của lực lượng công an địa phương với một số nội dung: Tuyên truyền an toàn giao thông, phòng chống bạo lực học đường, thuốc lá điện tử, đặc biệt là chuyên đề phòng cháy chữa cháy. Em Trần Thị Hồng Hà - lớp 7B hào hứng nói: “Chúng em được các chú công an hướng dẫn cách xử lý tình huống khi gặp đám cháy. Em rất thích và đã thành công từ lần đầu tiên thực hành cách dùng bình cứu hỏa…”.

Theo thầy Nguyễn Thái Phước - Hiệu trưởng Trường THCS Tô Hiến Thành, hoạt động sinh hoạt dưới cờ được nhà trường duy trì tổ chức nhiều năm nay. Mỗi sáng thứ 2, các phần nghi thức, nhận xét hoạt động chỉ chiếm khoảng 15 phút/tổng số 45 phút chào cờ. Thời gian còn lại nhà trường triển khai các hoạt động được xây dựng bài bản từ đầu năm học. Tùy theo từng tháng, tuần, sẽ chủ đề, chủ điểm phù hợp. Trong tháng 11, nhà trường tập trung triển khai các hoạt động liên quan đến tuyên truyền pháp luật và tri ân thầy, cô giáo.

Tại Hà Tĩnh, các trường học đã bám sát mục tiêu giáo dục, nội dung chủ đề tiết sinh hoạt dưới cờ để tổ chức linh hoạt, sáng tạo hoạt động này; đa dạng hóa hình thức tổ chức, tạo mọi điều kiện, khuyến khích tối đa học sinh tham gia từ khâu xây dựng kế hoạch, chuẩn bị điều kiện, điều hành thực hiện đến đánh giá kết quả và bày tỏ quan điểm...

Tiết sinh hoạt dưới cờ đã nhẹ nhàng và thiết thực hơn, mang tinh thần “học mà chơi, chơi mà học”, trở thành hoạt động trải nghiệm thú vị, đa dạng, được học sinh háo hức chờ đón. - Ông Phan Duy Nghĩa (Phó Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh)

Theo giaoducthoidai.vn
Copy Link
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Mềm' hóa giờ chào cờ