Ở góc độ phát triển bất động sản, vị chuyên gia cho rằng sự mở rộng của các dự án hạ tầng sẽ giúp gia tăng quá trình hình thành các khu đô thị, giải quyết bài toán nhà ở cho TP HCM.
Đồng thời, người dân tại những dự án bất động sản nhà ở nằm trên các trục đường có thể tiếp cận với các công trình giao thông liên kết vùng. Qua đó giúp quá trình sinh sống, học tập và làm việc tại TP HCM trở nên thuận tiện hơn, đặc biệt là đối với nhóm người trẻ.
Savills đánh giá từ trước đến nay, việc kết nối giữa TP HCM và các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ thường xuyên trong tình trạng quá tải do chủ yếu dựa vào những đường độc đạo hay đường quốc lộ truyền thống.
Tuy nhiên, theo TS Sử Ngọc Khương, dự án đường Vành đai 3 và đường Vành đai 4 sẽ giúp việc vận chuyển hàng hóa liên vùng trở nên thuận tiện hơn trong tương lai. Từ đó, thu hút các nhà đầu tư, kéo theo nhu cầu thuê, mua bất động sản khu công nghiệp như trung tâm dữ liệu, kho lạnh… và nhu cầu thuê văn phòng.
Bên cạnh đó, Sân bay Long Thành sẽ trở thành điểm trung chuyển cho 2 tuyến đường Vành đai 3 và Vành đai 4. Sự kết hợp giữa các công trình giao thông sẽ rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí, thúc đẩy vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đi các nước trong khu vực.
Ngoài ra, ông Khương kiến nghị TP HCM và Chính phủ cần chú trọng đến việc phát hệ thống đường sắt trong giai đoạn từ nay đến năm 2050 để tăng sự lựa chọn vận chuyển hàng hóa, giảm bớt áp lực cơ sở hạ tầng đường bộ, đường thủy, đường không.