Theo đó, TP Hà Nội đề nghị điều chỉnh nội dung và quy mô đầu tư xây dựng của dự án đã được phê duyệt trước đó. Cụ thể, tổng chiều dài tuyến xin điều chỉnh là 11,5 km, trong đó 8,9 km đi ngầm, 2,6 km đi trên cao. Chiều dài phần đi ngầm và đi trên cao thay đổi so với Báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt năm 2008 do thay đổi phương án trắc dọc đoạn chuyển tiếp từ phần cầu cạn sang phần hầm.
Hà Nội đề xuất điều chỉnh dự án gồm 10 đoàn tàu thay vì 14 đoàn tàu như quyết định cũ; điều chỉnh tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án lên 51,37 ha thay vì 49,06 ha (tăng 2,31 ha).
Đề xuất điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư là 35.588 tỉ đồng, tăng 16.033 tỉ đồng (tương đương tăng 82%) so với quyết định phê duyệt dự án vào năm 2008.
Hà Nội cũng xin được điều chỉnh thời gian thực hiện từ năm 2009-2031. Trong đó, dự án hoàn thành vào năm 2029 và 2 năm tiếp theo sẽ đào tạo, vận hành, bảo dưỡng.
Theo UBND TP Hà Nội, nguyên nhân đề nghị điều chỉnh tăng 82% tổng mức đầu tư sơ bộ là do thay đổi về quy mô đầu tư làm tăng 2.840 tỉ đồng (khoảng 15%); thay đổi về tỉ giá quy đổi làm tăng 1.329 tỉ đồng (khoảng 6,8%).
Các nguyên nhân về giá làm tăng 5.279 tỉ đồng (khoảng 27%); thay đổi về chế độ chính sách và các quy định của Nhà nước liên quan đến việc xác định và quản lý chi phí đầu tư làm tăng 6.537 tỉ đồng (khoảng 33,2%).
Dự án tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo được UBND TP Hà Nội phê duyệt năm 2008. Tuyến dài 11,5 km, trong đó có 8,5 km đường đi ngầm, 3 km đi cao.
Điểm đầu Nam Thăng Long theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài-Hoàng Quốc Việt-Hoàng Hoa Thám-Thụy Khuê-Phan Đình Phùng-Hàng Giấy-Hàng Đường-Hàng Ngang-Hàng Đào-Đinh Tiên Hoàng-Hàng Bài; điểm cuối giao với phố Trần Hưng Đạo.
Thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2009-2015, thời gian bảo dưỡng dự kiến khoảng 5 năm. Tổng mức đầu tư dự án là 19.555 tỉ đồng. Trong đó, vốn vay Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 16.485 tỉ đồng; vốn đối ứng ngân sách TP Hà Nội là 3.079 tỉ đồng.