Trên biển, ngày và đêm 25/01, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7, sóng biển cao 2,0-4,0m, biển động; vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, khu vực Bắc Biển Đông, Giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 3,0-6,0m, riêng khu vực Bắc Biển Đông 2,5-4,5m, biển động mạnh.
Nguyên nhân của rét đậm rét hại kéo dài
TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết, khả năng cao là giai đoạn từ ngày 30/1 - 6/2 (21-27/12 âm lịch) sẽ nắng ấm hầu khắp các vùng. Nhiều khả năng từ ngày 7/2 sẽ có một đợt không khí lạnh tràn xuống miền Bắc khiến trời chuyển mưa rét. Tuy nhiên do dự báo còn xa nên độ chính xác chưa cao, đợt không khí lạnh này sẽ được cập nhật bởi cơ quan khí tượng những ngày tới. Như vậy từ ngày 30/1 đến 6/2, người dân sẽ có khoảng 1 tuần nắng ấm để giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón Tết.
Theo TS Nguyễn Ngọc Huy, hiện tượng thời tiết chuyển lạnh đột ngột do ảnh hưởng của El Nino. Đây là hiện tượng diễn ra trong các năm El Nino với xu hướng nhiệt độ nóng hơn bình thường. Năm 2024 được dự báo xu hướng nhiệt độ nóng hơn trung bình chung của nhiều năm cùng thời kỳ từ 1,5 - 2 độ C. Vào mùa đông, các năm El Nino xuất hiện các đợt lạnh đột ngột khi nhiệt độ xuống thấp, lạnh hơn cùng thời kỳ của trung bình chung các năm trước đó.
TS Huy nhận định, các đợt lạnh đột ngột này có tính chất bất thường, cục bộ, ngẫu nhiên xảy ra khi hình thành các lõi lạnh từ vùng Siberia (Nga) xuống phía Nam. Trong đợt lạnh này tuy cường độ mạnh, nhưng cấp độ gió yếu nên không khí lạnh ảnh hưởng miền Bắc và miền Trung, không khuyếch đại xuống phía Nam. Do đó, TP HCM và các tỉnh Nam Bộ duy trì thời tiết nắng ấm đến cận Tết Nguyên Đán. Theo ông, việc TP HCM trong năm qua chưa đón nhận đợt lạnh nào cũng do ảnh hưởng của hình thái đặc trưng của El Nino và Trái Đất ấm lên.
Thời tiết bất thường và cực đoan đang thể hiện rõ những đợt lạnh sâu vào mùa đông và mùa hè cũng nhiệt độ cũng khắc nghiệt hơn. Thống kê của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC) cho thấy, nhiệt độ trung bình toàn cầu đang gia tăng. Việt Nam chung xu hướng này, nhưng tốc độ tăng nhanh hơn 38%, theo số liệu về mức chênh nhiệt độ giai đoạn 2006-2015 so với 20 năm trước đó.
Các nhà khoa học cảnh báo, mức nhiệt tăng cực đoan có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng nông nghiệp, khiến nhiều khu vực đứng trước nguy cơ phải hứng chịu thảm họa thiên nhiên ngày một tăng về cả số lượng và mức độ nghiêm trọng.