Minh bạch thống kê việc làm sinh viên

Thu Hương, | 10/10/2023, 09:29
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Số liệu thống kê tỷ lệ sinh viên có việc làm do các trường đại học (ĐH) thực hiện và công khai trên website theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) lâu nay vẫn nhận được không ít băn khoăn về tính chính xác, thực chất khi có trường đạt trên 90%, thậm chí 97 - 98%.

Báo cáo phân tích ngành giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với UNESCO tại Việt Nam thực hiện, dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2019, hơn 3% số sinh viên tốt nghiệp cao đẳng và 2,8% số cử nhân ĐH thất nghiệp, trong khi trình độ trung cấp chỉ 1,1% thất nghiệp. Nhiều thống kê khác cũng chỉ ra tỷ lệ cử nhân có bằng ĐH thất nghiệp cao, lệch với thống kê của phần lớn các trường. Cần có giải pháp để kiểm soát về số liệu tỷ lệ sinh viên có việc hướng đến thực chất chứ không phải là hình thức.

Giải pháp từ cơ sở dữ liệu

Hiện Bộ GDĐT đang xây dựng và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu giáo dục ĐH (HEMIS), dùng chung trong quản lý giáo dục đại học. Đến nay, hệ thống đã thu thập được cơ sở dữ liệu từ 442 cơ sở đào tạo; hơn 150 nghìn giảng viên và hơn 2,1 triệu người học.

Trong đó, liên quan đến tỷ lệ sinh viên có việc làm, Bộ GDĐT đã yêu cầu các trường thống kê về số lượng sinh viên tốt nghiệp năm 2022. Theo đó, các trường đã nhận được 237 nghìn sinh viên tốt nghiệp trong khoảng 500 nghìn sinh viên.

TS Nguyễn Sơn Hải - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GDĐT) cho biết, từ ngày 23/6/2023, cơ sở dữ liệu về giáo dục ĐH đã chính thức kết nối với bảo hiểm. Mỗi người lao động đều có mã số bảo hiểm nên khi thực hiện kết nối hai dữ liệu với nhau đã có được những kết quả bước đầu.

Cụ thể, trong tổng số 237 nghìn sinh viên được nhập dữ liệu lên hệ thống chỉ kết nối được 146 nghìn do có những vấn đề về tỷ lệ chuẩn do phải nhập đầy đủ cả họ tên, ngày tháng năm sinh…

“Đến nay ghi nhận 97 nghìn sinh viên có mã số bảo hiểm, chiếm 66,7% số sinh viên ra trường có việc làm theo dữ liệu chưa sạch được các trường cung cấp và đối chiếu với hồ sơ bảo hiểm. Trong đó có 29 nghìn hồ sơ có thông tin về loại hình, lĩnh vực, ngành nghề, chẳng hạn người lao động đang làm lĩnh vực kế toán, tài chính…” - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin cho biết.

Từ thống kê này các trường, các nhà hoạch định chính sách có thể đối chiếu được việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp có phù hợp với văn bằng được đào tạo hay không. Đây là một công cụ quan trọng để thông qua đó phân tích, đánh giá hiệu quả đào tạo, từ đó tác động đến quy mô đào tạo đại học, chuyên ngành và các chương trình sao cho phù hợp với yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Mặc dù hiện nay đây mới là những thông tin bước đầu thử nghiệm, số liệu cũng chưa hoàn toàn bao phủ tất cả sinh viên đã tốt nghiệp song bức tranh việc làm sau đây sẽ dần rõ nét.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT nhìn nhận, khi khảo sát tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp có tác động rất lớn tới nhiều chính sách liên quan. “Thống kê tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường là một phần quan trọng mà các cơ sở giáo dục ĐH phải công bố công khai. Nhưng đây phải là con số thực chất, không phải số liệu ảo cho đẹp” - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.

Theo Đại đoàn kết
http://daidoanket.vn/minh-bach-thong-ke-viec-lam-sinh-vien-5740854.html
Copy Link
http://daidoanket.vn/minh-bach-thong-ke-viec-lam-sinh-vien-5740854.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Minh bạch thống kê việc làm sinh viên