"Đầu năm lớp 6, bạn kể thiếu 1 điểm vào Ams. Con mình bảo 'Ôi siêu thế! Bố mẹ thưởng gì không?' (Bạn nhà mình dù trượt vẫn được thưởng đi du lịch). Bạn kia bảo: Bố mình thưởng 3 cái tát. Mình nghe kể thôi mà đau nhói lòng", chị nói.
Việc cha mẹ đặt kỳ vọng quá lớn lên những đứa trẻ, gây áp lực cho các con thuộc về nhận thức của từng gia đình. Nhưng chuyện những đứa trẻ lớp 4 lớp 5 không còn thời gian vui chơi, giải trí, tương tác với người thân vì lịch học thêm dày đặc không hề hiếm.
Các nhà giáo dục cảnh báo phụ huynh, lứa tuổi tiểu học là giai đoạn trẻ cần được phát triển thể chất, tinh thần, các kỹ năng xã hội và trí tuệ cảm xúc (EQ), hơn là chỉ kiến thức học thuật. Nếu bị thúc ép nhiều hoặc bị thất vọng, các em sẽ đối diện áp lực tâm lý từ sớm. Tổn thương tâm lý của trẻ không phải thứ có thể nhìn được ngay, nhưng hậu quả để lại rất nặng nề.
Tại một Hội thảo giáo dục, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) từng nhắc đến câu chuyện nhỏ về người con trai đầu của mình. Năm cô chuẩn bị thi phó giáo sư cũng là khi cậu bé chuẩn bị thi vào một trường cấp 2 chuyên.
Một buổi tối, hai mẹ con đang đi dạo bộ, cô Huyền nghĩ ra một trò chơi, đó là để mẹ đóng vai "con", còn con đóng vai "mẹ".
"Tôi nói: 'Mẹ ơi, con thấy áp lực quá vì sắp thi rồi. Con không biết con có đậu được không'. Con tôi an ủi: 'Con ơi, con cứ yên tâm, con có trượt thì vẫn là con của mẹ. Mẹ luôn tự hào về con, con không là Phó Giáo sư thì mẹ vẫn yêu con'. Nghe thế, tôi vô cùng xúc động. Và tôi thấy mình rất bình an chuẩn bị cho cuộc chiến sắp tới.
Sau đó, tôi suy nghĩ về các con của mình. Con còn bé thế mà bao dung quá. Còn mình là mẹ mà chưa bao giờ nghĩ được rằng mình sẽ chấp nhận con như nó vốn có, kể cả khi con thất bại", cô Huyền nhớ lại.
Nhu cầu cho con được học trường tốt là nguyện vọng chính đáng của các bậc phụ huynh. Môi trường học cho con rất quan trọng. Trong khi, trường chất lượng cao ra đời tạo cơ hội cho những em học giỏi, đáp ứng tiềm năng của người học. Tuy nhiên, phụ huynh cần hiểu, việc chọn trường, chọn lớp cần phụ thuộc vào từng em.
Con có năng lực, cha mẹ có thể khuyến khích, đồng hành để con đạt mơ ước. Còn nếu thấy khả năng của con không thể đáp ứng các yêu cầu của trường chất lượng cao, hoặc vì thiếu may mắn mà thi trượt, hãy tìm hướng đi khác. Rất nhiều học sinh khác vẫn chọn những trường công bình thường để học thay vì chạy đua vào các trường điểm. Bất kỳ trường THCS nào cũng có lớp tốt. Khi con có ý thức thì ở đâu con cũng có thể phát triển và tỏa sáng.
Trong một bài viết của mình, "Giáo sư quần đùi" Trương Nguyện Thành từng chia sẻ: "Tôi cho rằng một người hạnh phúc là người có thể sống đúng như con người thật của mình, làm điều mình thích và đam mê cho dù đó là làm giàu, có địa vị cao trong xã hội hay làm công việc bình thường không đem lại nhiều của cải hay quyền lực.
Và được theo đuổi ước mơ của riêng mình. Nếu bạn muốn con có cuộc sống hạnh phúc thì khi con còn trẻ hãy giúp con khám phá mình là ai, thích gì và quan trọng là giúp con khám phá ước mơ".
Hãy để ước mơ của con được tự do lớn lên, phát triển hài hòa theo mong muốn và khả năng của con. Chúng ta có thể định hướng cho con, nhưng hãy lắng nghe con nữa, trao cho con quyền lựa chọn và để con chịu trách nhiệm với sự lựa chọn ấy.