TS. Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội tặng tranh cho đại diện ĐH Columbia. |
Kết thúc buổi làm việc, hai bên đã lên kế hoạch ký kết Bản ghi nhớ hợp tác khung dự kiến vào tháng 4 hoặc tháng 5 năm 2023.
Bản ghi nhớ hợp tác khung sẽ là cơ hội để mở ra nhiều cơ hội hợp tác và góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác giữa hai trường, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của các giảng viên, sinh viên của cả hai trường.
Trước đó, TS. Đoàn Trung Kiên và đoàn công tác của Trường ĐH Luật Hà Nội đã đến tham quan cơ sở vật chất của Viện Nghiên cứu Đông Á Weatherhead và ĐH Columbia.
ĐH Columbia là cơ sở giáo dục đại học lâu đời nhất tại tiểu bang New York và lâu đời thứ năm tại Hoa Kỳ. Đây là một trong những ĐH hàng đầu của Hoa Kỳ (cùng với Harvard, Yale và Princeton) với tỷ lệ tuyển chọn thuộc diện khó nhất tại Hoa Kỳ (năm 2022 chỉ có khoảng 3% trong số hơn 65000 ứng viên trúng tuyển vào ĐH Columbia). Hiện ĐH Columbia đang đào tạo hàng trăm chương trình cấp bằng cử nhân và chương trình cấp bằng sau đại học.
Viện Nghiên cứu Đông Á Weatherhead được thành lập năm 1949, là một trong những trung tâm nghiên cứu uy tín nhất tại Mỹ về Đông Á, Đông Nam Á và Nội Á hiện đại và đương đại.
Ngành Nghiên cứu Việt Nam tại ĐH Columbia ra đời dưới sự bảo trợ của Viện Đông Á Weatherhead. Từ năm 2017 đến nay, Ngành Nghiên cứu Việt Nam đã và đang nhận được sự ủng hộ và đóng góp quan trọng từ nhiều bộ phận khác tại Columbia nhằm phát triển hoạt động nghiên cứu và giảng dạy, như khoa Văn hóa và Ngôn ngữ Đông Á, khoa Lịch sử, Khoa học Chính trị, Trường Quan hệ Quốc tế và Đối ngoại, Trường Kinh doanh…
Nhờ vậy, ĐH Columbia luôn duy trì vị thế dẫn đầu tại Mỹ khi nhắc đến Nghiên cứu Việt Nam, và trường đã trở thành điểm đến hấp dẫn với những ai đam mê tìm hiểu và nghiên cứu văn hóa, lịch sử, đất nước và con người Việt Nam.
Ngành Nghiên cứu Việt Nam được xây dựng dựa trên tinh thần cầu thị tri thức không ngừng nghỉ, với sứ mệnh “bắt rễ sâu sắc vào xã hội và văn hóa đương đại Việt; cam kết lan tỏa hiểu biết và tầm quan trọng của Việt Nam đến các ngành nghiên cứu đa dạng trên thế giới; và thúc đẩy hợp tác với các học giả quốc tế hàng đầu, đặc biệt là các học giả đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam”.