Nghị định 105 nhân văn, thiết thực, thế nhưng đến nay vẫn còn hơn 20 địa phương chưa ban hành Nghị quyết HĐND quy định mức hỗ trợ cụ thể đối với trẻ em và giáo viên mầm non tại cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập ở địa bàn có KCN. Ở các tỉnh/thành đã ban hành nghị quyết cũng vẫn còn khá nhiều trẻ chưa nhận được hỗ trợ. Chỉ riêng tại TPHCM vẫn còn hơn 2.000 trẻ chờ được duyệt hồ sơ, thủ tục.
Lý do chậm trễ vì các đơn vị mầm non tư thục khó khăn trong quá trình hướng dẫn phụ huynh hoàn thiện giấy tờ; Công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan theo chỉ đạo của UBND tỉnh/thành trong việc thực hiện Nghị định 105 và các nghị quyết liên quan do địa phương ban hành thiếu chặt chẽ; Công đoàn cơ sở ở KCN chưa tập trung tuyên truyền để công nhân tiếp cận chính sách, nhiều doanh nghiệp không ký giấy xác nhận cho công nhân. Người lao động cũng thường xuyên thay đổi chỗ làm nên công tác thống kê phức tạp...
Bên cạnh việc chậm trễ trong thực hiện thủ tục hỗ trợ, nhiều ý kiến cho rằng các địa phương khi triển khai Nghị định 105 đã “siết” chặt hơn đối tượng trẻ được nhận, chẳng hạn như phải ở trong cơ sở GDMN dân lập, tư thục trên địa bàn có KCN và có ít nhất 30% con của người lao động làm việc trong KCN. Bên cạnh đó phụ huynh là công nhân làm việc tại cụm công nghiệp, phụ huynh làm việc ở KCN nhưng có con học trường công cho biết cũng đang gặp những khó khăn như các lao động trong KCN, thế nhưng con em họ không được trợ cấp, là chưa thỏa đáng.
Là đòn bẩy để tạo điều kiện cho GDMN phát triển, Nghị định 105 có những tác động an sinh rất lớn, nhất là với đối tượng yếu thế, vùng khó khăn. Vì thế rất cần tăng cường công tác tuyên truyền để tất cả đối tượng thụ hưởng được hưởng lợi trên thực tế sớm nhất, không bị bỏ sót. Đặc biệt, nếu có nguồn lực, cần mở rộng nhóm thụ hưởng đến cả con em công nhân làm việc tại cụm công nghiệp, bởi nói như bà Thái Thu Xương - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, “con em công nhân lao động ở trong KCN hay ngoài KCN đều là con của người lao động trực tiếp sản xuất, đóng góp cho đất nước”.