“Tôi đăng ký làm cộng tác viên ở nhiều sàn để có nguồn hàng tốt, dễ bán. Từ đầu năm tới nay giao dịch cũng lác đác, không có nhiều. Trong trường hợp giao dịch thành công cũng phải đợi rất lâu mới nhận đủ tiền hoa hồng”, anh chia sẻ thêm.
Tương tự, anh Trần Mạnh, nhân viên môi giới của một công ty bất động sản ở Hà Nội cho biết, không chỉ môi giới, các ngành nghề khác cũng đều mong có thưởng Tết để sắm sửa. Tuy nhiên, năm nay thị trường diễn biến trầm lắng, anh Mạnh cũng không hy vọng có thưởng Tết, chỉ cần nhận đủ tiền hoa hồng.
“Thời điểm cuối năm tôi chỉ mong có thêm giao dịch, công ty trả tiền hoa hồng sớm để chi tiêu dịp Tết. Còn bây giờ các công ty bất động sản đều khó khăn, lấy tiền đâu ra để thưởng. Cuối năm công ty không được tất toán có khi tiền hoa hồng cũng bị nợ”, anh Mạnh chia sẻ.
Thực tế, mặc dù thị trường bất động sản đã có những tích cực hơn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp địa ốc vẫn chưa thoát khỏi cảnh khó khăn, thậm chí rơi vào phá sản.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, năm 2023, thị trường chứng kiến sự “ra đi” của hàng loạt doanh nghiệp bất động sản. Trung bình mỗi tháng có khoảng 107 doanh nghiệp bất động sản rời khỏi thị trường. Riêng với các sàn giao dịch bất động sản, 20% sàn tiếp tục đối diện nguy cơ giải thể, phá sản; 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt, phải cố gắng cầm cự, “sống bằng niềm tin” thị trường bất động sản sẽ khôi phục vào cuối năm 2023.
Ông Đính cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến sự “ra đi” của một số doanh nghiệp đã kiệt sức, do phải chống chọi trong suốt thời gian dài vừa qua.