Mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước

PV | 23/09/2021, 20:34
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TBX&H, giai đoạn 2015 - 2020, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước.

Tỷ lệ đuối nước trẻ em ở Việt Nam cao gấp 8 lần các nước có thu nhập cao

Sáng ngày 24/9, Bộ GD-ĐT tổ chức "Hội thảo trực tuyến thực trạng, giải pháp phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh". 

Tai nạn đuối nước đối với trẻ em, học sinh hiện nay là vấn đề thời sự, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhiều gia đình và tạo sự bất an trong toàn xã hội. Vì vậy, việc triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn đuối nước ở trẻ em, học sinh là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của các Bộ, ngành liên quan và các địa phương, trong đó ngành Giáo dục đóng vai trò hết sức quan trọng.

Phát biểu khai mạc, TS Ngô Thị Minh - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết: "Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, giai đoạn 2015 - 2020, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Mặc dù trong những năm gần đây có xu hướng giảm nhưng tỷ lệ đuối nước trẻ em ở Việt Nam vẫn cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 8 lần các nước có thu nhập cao.

Theo số liệu thống kê của ngành Giáo dục, trong dịp hè năm 2021, cụ thể từ 30/4 đến nay; trên toàn quốc đã xảy ra 54 vụ, làm tử vong 89 trẻ em, học sinh (tháng 6 có 10 vụ, tháng 7 có 14 vụ và tháng 8 có 19 vụ và tháng 9, có 08 vụ)".

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước - 1

Bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT chủ trì hội thảo.

Nguyên nhân các vụ đuối nước, bước đầu được xác định là các em thiếu sự giám sát, quản lý của gia đình, người lớn; các em tự ý rủ nhau đi chơi, đi bơi, đi tắm, chơi gần khu vực nguồn nước dẫn đến đuối nước và hầu hết các vụ đuối nước xảy ra tại cộng đồng.

"Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân quan trọng cần được đánh giá, phân tích cụ thể. Đó là nhiều trẻ em, học sinh bị đuối nước do các em chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng nhận biết sự nguy hiểm và kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Điều này cho thấy ngành Giáo dục có trách nhiệm rất lớn trong công tác tuyên truyền, giáo dục, trang bị, hướng dẫn cho các em những kiến thức, kỹ năng để các em biết và chủ động trong việc tự phòng, tránh đảm bảo an toàn cho bản thân. Đây cũng chính là nhiệm vụ trọng tâm đối với các nhà trường, cơ sở giáo dục để góp phần giảm thiểu đuối nước xảy ra đối với trẻ em, học sinh", Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh.

Trong thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã chủ động, tích cực phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, cùng các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm giảm thiểu tai nạn đuối nước ở trẻ em, học sinh.

Ngoài việc ban hành và chỉ đạo thực hiện các tiêu chí xây dựng Trường học an toàn, phòng tránh tai nạn thương tích; xây dựng Chương trình, Kế hoạch thực hiện theo từng năm, từng giai đoạn, Bộ GD-ĐT đã chú trọng chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền; phát động phong trào học bơi, tổ chức các giải bơi trong học sinh phổ thông; phối hợp với Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương tổ chức các hoạt động giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước.

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước - 2

Thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã chú trọng chỉ đạo hoàn thiện các tài liệu tuyên truyền, tài liệu tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên về giảng dạy các kiến thức, kỹ năng và dạy bơi an toàn cho học sinh.

Tuy nhiên, công tác phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Tỷ lệ trường học tổ chức dạy bơi cho học sinh còn rất thấp do thiếu bể bơi, thiếu thiết bị, điều kiện để tổ chức giảng dạy.

Đối tượng được học bơi chủ yếu là học sinh gia đình có điều kiện, học sinh ở thị trấn, thị xã, thành phố. Học sinh ở các vùng nông thôn, vùng  quê ít có cơ hội được học bơi an toàn.

Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền chưa thường xuyên hiệu quả, nội dung, hình thức chưa sát với thực tế, chưa phong phú. Đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác phòng, chống tai nạn, thương tích đuối nước trong nhà trường chủ yếu là kiêm nhiệm, còn yếu và thiếu về kiến thức, kỹ năng, khó khăn về phương tiện triển khai thực hiện.

Ưu tiên những trẻ em nghèo, dễ tổn thương

Tháng 4/2021, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc lần đầu tiên trong lịch sử đã thông qua Nghị quyết về vấn đề đuối nước toàn cầu và lựa chọn ngày 25/7 hàng năm là Ngày thế giới Phòng, chống đuối nước. Lần đầu tiên tại Việt Nam, chiến dịch truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này đã được triển khai với sự điều phối của Bộ LĐ-TB&XH.

Bà Đoàn Thu Huyền - Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam, Tổ chức Vận động chính sách Y tế toàn cầu cho hay: "Quỹ từ thiện Bloomberg Hoa Kỳ và Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu đã hợp tác với Bộ LĐ-TB&XH - là bộ chủ quản để thực hiện chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam từ năm 2018.

Trong 3 năm qua, chúng tôi đã triển khai tại hơn 100 xã, 21 huyện của 8 tỉnh có tình hình đuối nước trẻ em cao nhất. Chúng tôi ưu tiên những nơi khó khăn nhất, cho những trẻ sống ở vùng khó khăn và dễ tổn thương. Hơn 55% hộ gia đình tại địa bàn triển khai là nghèo và cận nghèo. Từ năm 2021, chúng tôi tiếp tục mở rộng tại 32 huyện của 12 tỉnh".

Đến nay, chương trình đã tăng cường năng lực quản lý, điều phối và triển khai cho mạng lưới phòng chống đuối nước cho trẻ em từ các bộ ngành, các tổ chức chính trị xã hội và báo chí.

Đã có hơn 4.000 cha mẹ có con dưới 6 tuổi và trên 700 giáo viên mầm non được đào tạo kỹ năng giám sát trẻ an toàn từ hàng trăm lớp đào tạo. Đã có gần 900 giảng viên nòng cốt và tuyến tỉnh được đào tạo chuẩn về bơi an toàn, phòng chống đuối nước, cấp chứng nhận bởi Tổng cục thể thao và Sở VH-TT&DL các tỉnh, thành phố.

Trên 13.000 trẻ từ 6 đến 15 tuổi được dạy bơi an toàn và trên 30.200 trẻ em được học kĩ năng an toàn trong môi trường nước tại trường học. Điều quan trọng không có bất kì trẻ em nào bị thương tích hoặc vấn đề về an toàn xảy ra tại các lớp học bơi.

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước - 3

Toàn cảnh chương trình.

Bà Đoàn Thu Huyền hy vọng, với sự chỉ đạo, định hướng của Bộ LĐ-TB&XH và Bộ GD-ĐT, sự phối hợp của ngành giáo dục và ngành lao động tại các tỉnh/ thành phố sẽ ngày càng chặt chẽ để cùng kiến tạo những can thiệp hiệu quả, thiết thực cho hàng triệu trẻ em Việt Nam.

"Theo đó, chúng ta ưu tiên cho những trẻ em ở vùng khó khăn, trẻ em nghèo và dễ tổn thương. Chúng tôi mong rằng ngành giáo dục sẽ xem xét, thẩm định để đưa các tài liệu về kĩ năng an toàn trong môi trường nước là tài liệu tham khảo giảng dạy cho trẻ theo cấp học phù hợp. Chúng tôi cam kết tiếp tục đồng hành để triển khai chương trình vô cùng nhân văn này", bà Huyến nhấn mạnh.

Bài liên quan
Phú Thọ: Trưởng phòng Văn hóa và Phó Công an huyện tử vong vì đuối nước
Cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ và huyện Cẩm Khê đang điều tra vụ việc Phó trưởng Công an huyện cùng Trưởng phòng văn hóa tử vong do đuối nước xảy ra vào tối 22/7.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước