Văn hóa bán hàng rong Singapore được UNESCO công nhận là “di sản văn hoá phi vật thể”. Các món ăn bán tại nhiều quầy hàng tượng trưng cho sự đa dạng của hòn đảo. Sự phát triển của các trung tâm bán hàng rong cũng phản ánh sự chuyển mình của đất nước, từ một bến cảng trở thành một trung tâm tài chính.
Ẩm thực đường phố rất quan trọng đối với công nhân nhập cư. Do đó, thay vì cấm bán hàng rong, Singapore thực hiện quản lý triệt để. Các trung tâm này được chính phủ quản lý nghiêm ngặt với nhiều quy định vệ sinh an toàn thực phẩm. Để hỗ trợ người bán hàng, chính phủ còn đưa ra chính sách trợ cấp tiền thuê mặt bằng.
Bối cảnh kinh tế chung thay đổi khiến giá gạo, trứng, dầu ăn… đều tăng cao, buộc các gian hàng rong phải tăng giá đồ ăn. Tỷ lệ lạm phát của Singapore đã tăng lên 7,5% năm 2022 và hạ dần xuống 4,0% vào tháng 8/2023. Thị trường lao động thắt chặt càng làm gia tăng áp lực giá cả.
Các trung tâm bán hàng rong cũng không tránh khỏi tình trạng giá mặt bằng tăng cao. Chính phủ hầu như không còn trợ cấp giá thuê nhà tại gần 120 trung tâm bán hàng rong.
Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp vào giữa năm nay, so với giá thuê 157 SGD/m2 vào năm 2013, giá thuê các quầy bán đồ ăn chín năm 2022 đã tăng gần gấp đôi lên 308 SGD/m2.
Một trung tâm bán hàng rong trong giờ ăn trưa. Ảnh: Bryan van der Beek/Bloomberg
Thấu hiểu khó khăn của người dân khi chi phí sinh hoạt tăng, chính phủ Singapore gần đây đã cam kết giúp đỡ người dân giải quyết vấn đề nghỉ hưu và sở hữu nhà. Các chương trình hiện có cũng được mở rộng để giảm giá tiền thuê nhà cho các quán ăn, với điều kiện họ phải bán đồ ăn giá rẻ.
Nhiều thế hệ lớn tuổi tại Singapore chia sẻ rằng nếu không duy trì mức giá phải chăng, họ sẽ ít đến các trung tâm bán hàng rong hơn. Với thu nhập khiêm tốn, họ sẽ lựa chọn nấu ăn tại nhà.
Tham khảo Bloomberg