Loại vũ khí đặc biệt “tuy nhỏ nhưng có võ”, trong nháy mắt có thể lấy mạng người, thậm chí chặn được nhát chém của kiếm Nhật.
Một chiếc quạt gấp với hoa văn mang đậm phong cách Nhật Bản (ảnh : NHK)
Từ “trang sức” đến thứ vũ khí chết người
Lịch sử phong kiến Nhật Bản đầy rẫy các cuộc nội chiến và thanh trừng. Trong thời kỳ đó, tầng lớp samurai (võ sĩ) ra đời kèm theo các loại vũ khí mới lạ, nhưng không kém phần nguy hiểm, theo History Today.
Ngoài katana (kiếm Nhật), tessen (quạt sắt) là món vũ khí không thể tách rời của các samurai.
Bề ngoài, tessen giống như phụ kiện đi kèm trang phục, nhưng khi gặp tình huống nguy hiểm, các samurai lập tức biến nó thành vũ khí tấn công và phòng thủ hiệu quả.
Nguồn gốc của tessen đến từ thói quen sử dụng quạt gấp (tiếng Nhật gọi là "sensu") của tầng lớp quý tộc, samurai và các thương nhân giàu có ở Nhật Bản.
Theo History Today, quạt gấp do người Nhật sáng tạo vào thế kỷ thứ 6. Ban đầu, nó được sử dụng như một vật dụng làm mát thuần túy. Qua thời gian, quạt gấp được nâng tầm trở thành món đồ xa xỉ và là biểu tượng của tầng lớp thượng lưu Nhật Bản.
Chỉ có quý tộc, thương gia giàu có và các samurai mới được quyền sở hữu một chiếc quạt gấp. Thường dân chỉ có thể dùng quạt nan tre hoặc quạt bện bằng lá.
Từ thế kỷ thứ 7, quạt gấp đã trở thành vật dụng không thể thiếu trong các nghi thức cung đình. Phụ nữ quý tộc Nhật Bản sử dụng quạt gấp để múa hoặc che đi những cử chỉ “khiếm nhã”. Các daimyo (lãnh chúa) và shogun (tướng quân) sử dụng quạt gấp để ra hiệu lệnh trên chiến trường hoặc trong các cuộc họp.
Đối với các samurai, quạt gấp là vật dụng để chứng minh thân phận cao quý. Khi không chiến đấu, họ cầm quạt gấp trên tay hoặc giắt vào thắt lưng. Chiếc quạt gấp hiếm khi nằm ngoài tầm tay của các samurai, đặc biệt là trong những sự kiện quan trọng.
Các samurai thề chết bảo vệ chủ nhân (ảnh : History Today)
Thời Edo (1603 – 1868), một samurai không có quạt gấp sẽ bị coi thường, như thể họ ra trận mà không mang theo daisho (cặp kiếm Nhật một dài một ngắn, là biểu tượng của samurai chân chính).
Từ thế kỷ 13, người Nhật bắt đầu xuất khẩu quạt gấp sang Trung Quốc, sau đó là châu Âu. Ở Pháp, giới quý tộc thuộc vương triều Bourbon (1589 – 1789) coi quạt gấp là món đồ xa xỉ, biểu tượng cho thân phận cao quý.
Vậy làm sao một món đồ trang nhã như chiếc quạt gấp lại có thể trở thành món vũ khí nguy hiểm chết người?
Theo Ancient Origins (trang chuyên lịch sử có trụ sở tại Anh), chất liệu tiêu chuẩn để làm quạt gấp là gỗ cây bách. Sau này, các samurai cải tiến quạt gấp, dùng sắt để chế tạo và biến nó thành tessen (tiếng Nhật nghĩa là “thiết phiến” – quạt sắt).
Samurai là tầng lớp thượng lưu ở Nhật. Họ chỉ phục vụ dưới quyền các tướng quân, lãnh chúa và sống chết vì chủ nhân.
Là cấp dưới của tướng quân, lãnh chúa, các samurai phải tuân thủ nhiều quy tắc. Họ không được phép mang kiếm khi tiếp kiến chủ nhân của mình. Ngoài ra, samurai cũng bị cấm mang vũ khí ở một số địa điểm, nghi lễ quan trọng.
Nhưng nếu không có vũ khí bên mình, samurai không thể bảo vệ chủ nhân. Nếu chủ nhân chết, họ sẽ trở thành ronin (lãng nhân) bị coi thường hoặc buộc phải thực hiện seppuku (nghi thức mổ bụng tự sát).
Trong sự giằng co giữa nguyên tắc và nhiệm vụ, các samurai đã cải tiến gây quạt gỗ luôn mang theo bên mình thành tessen (quạt sắt).
Theo Ancient Origins, quạt gấp rất nhẹ và vô hại, nhưng khi đổi vật liệu đóng quạt thành kim loại, chuyện sẽ khác đi.
Về cơ bản, cấu tạo của tessen không khác gì một chiếc quạt gấp thông thường, nhưng các nan quạt được làm bằng sắt hoặc đồng, mài nhọn. Phần mặt quạt làm bằng giấy, sơn đen.
Ở phiên bản “cao cấp” hơn, mặt quạt của tessen được tạo thành từ một lớp thép mỏng.
Theo Japan Guide, các samurai giữ tessen như một vũ khí tự vệ và thường giắt chúng vào thắt lưng. Tessen được ví như “bùa hộ mệnh” của samurai trong trường hợp họ không thể mang theo kiếm.
Thiết phiến – vũ khí “bất ly thân” của các samurai (ảnh : Japan Guide)
Mặc dù bề ngoài có vẻ mềm mại, nhã nhặn, nhưng tessen lại là thứ vũ khí đáng gờm.
Khi mở ra, tessen trở thành tấm khiên nhỏ, che chắn cho samurai khỏi ám khí và các đòn đâm. Khi xếp lại, tessen trở thành một cây gậy sắt ngắn nhưng đầy uy lực, có thể đỡ các đòn chém, thậm chí lấy mạng kẻ địch.
Từng nan quạt được mài nhọn trong tessen có thể được sử dụng như những mũi dao nhỏ. Đối với tessen phiên bản “cao cấp”, mặt quạt bằng thép mỏng có thể cắt đứt cổ đối phương trong một đòn đánh.
Trong “thời bình”, tessen vẫn có thể được sử dụng để ra lệnh hiệu, che nắng như những chiếc quạt gấp thông thường, theo Japan Guide.
Đối với các võ tướng, võ sĩ Nhật Bản, một chiếc tessen giúp họ trở nên dũng mãnh hơn là dùng quạt gấp thông thường.
Tessen Jutsu - quạt pháp đoạt mạng đối thủ
Tessen Jutsu (võ quạt) là một phần của võ thuật cổ truyền Nhật Bản.
Các kỹ thuật của Tessen Jutsu chủ yếu thiên về phòng thủ, khống chế, nhưng cũng bao gồm một số đòn đâm, cắt, có thể đoạt mạng đối phương trong “nháy mắt”, theo Japan Guide.
Dân gian Nhật Bản còn lưu truyền câu chuyện về vị “quạt khách” huyền thoại tên Ganryu. Tessen Jutsu của người này mạnh mẽ đến mức chỉ cần một chiếc quạt sắt trong tay, anh ta có thể đánh bại tất cả đối thủ, bất kể họ mang theo vũ khí gì.
Nhân vật lịch sử Nhật Bản nổi tiếng thành thạo Tessen Jutsu là tướng quân Tokugawa Ieyasu (1543 – 1616). Tương truyền, ông có thể hạ gục nhiều kẻ thù chỉ với chiếc quạt sắt, khiến tướng sĩ phe địch “khiếp vía”.
Trong trận chiến Kawanakajima lần thứ tư (1561), Takeda Shingen (1521 – 1573), lãnh chúa vùng Kai và vùng Shinano đã dẫn quân đánh thẳng vào trại chỉ huy của Uesugi Kenshin, lãnh chúa vùng Echigo.
Bằng một chiếc quạt sắt, Kenshin đánh bật lưỡi kiếm của Shingen. Hai lãnh chúa sau đó cùng rút quân.
Tessen Jutsu – phong cách chiến đấu bằng quạt của Nhật Bản (ảnh : YouTube)
Theo Ancient Origins, đối với các samurai, Tessen Jutsu là kỹ năng cần có. Thời phong kiến Nhật Bản, hầu hết samurai đều biết cách sử dụng quạt sắt như một chiếc khiên nhỏ, kết hợp với vũ khí tấn công là kiếm.
Ninja – những sát thủ hoạt động bí mật dưới thời phong kiến Nhật Bản – cũng sử dụng quạt sắt trong các nhiệm vụ ám sát. Bên trong chiếc quạt, họ có thể giấu chất độc, lưỡi dao nhỏ hoặc ám khí. Tương truyền, các kunoichi (nữ nhẫn giả) rất giỏi sử dụng quạt sắt.
Người thành thạo Tessen Jutsu có thể chiến đấu với đối thủ sử dụng nhiều loại vũ khí khác nhau (ảnh : Ancient Origins)
Ngày nay, ở Nhật Bản vẫn còn 4 trường võ thuật cổ truyền dạy Tessen Jutsu là Echigo Ryu, Miyake Shingan Ryu, Uesugi Ryu và Yagyu Ryu.
Giống như samurai, ninja có một loạt vũ khí vượt xa kiếm, vì sự thật là họ mang theo một kho vũ khí lớn.
Kakute – chiếc nhẫn chết chóc
Giống như tessen, kakute cũng được xếp vào nhóm vũ khí “nhỏ nhưng có võ” của Nhật Bản.
Theo Tofugu, kakute (nhẫn đinh) là vũ khí hình dạng giống chiếc nhẫn, làm bằng sắt, bên trên có từ 1 đến 3 đinh nhọn. Tương truyền, vũ khí này do các ninja sáng tạo.
Người dùng kakute thường đeo 1 – 2 chiếc nhẫn trên cùng một bàn tay. Một chiếc đeo ở ngón tay giữa hoặc ngón trỏ, chiếc còn lại đeo ở ngón tay cái.
Kakute có 2 cách sử dụng, để tấn công hoặc khống chế đối thủ.
Trong kỹ thuật khống chế, các đinh nhọn của kakute được quay vào trong lòng bàn tay. Khi ninja cầm nắm tay, chân hoặc cổ đối thủ, đinh nhọn sẽ gây ra các vết thương khiến đối thủ bị hạn chế di chuyển.
Trong kỹ thuật tấn công, các đinh nhọn của kakute hướng ra ngoài. Người sử dụng có thể dùng kakute để đấm hoặc đâm đối thủ. Ninja thường bôi độc vào kakute, biến nó thành thứ vũ khí ám sát chí mạng.
Kakute – vũ khí nhỏ nhưng đặc biệt nguy hiểm của ninja (ảnh: Tofugu)
Kakute rất dễ sử dụng, thậm chí người không biết võ thuật hay sức khỏe kém cũng có thể dùng loại vũ khí này, theo Tofugu.
Kakute được các ninja nữ (kunoichi) ưa chuộng, vì phái nữ đeo nhẫn là điều tự nhiên.
Các samurai không sử dụng kakute. Họ thường không đeo nhẫn và đối với samurai, ám sát đối thủ bị coi là hèn kém.
_____________
Trên chiến trường Ấn Độ, từng xuất hiện những loại vũ khí bề ngoài kỳ lạ, nhưng sức sát thương kinh người, một đòn có thể đánh ra hàng chục lưỡi kiếm hay phá hủy khiên giáp. Mời quý độc giả tìm hiểu về các loại vũ khí đặc biệt này trong bài kỳ sau, xuất bản vào lúc