Cùng với chính quyền, ngành Giáo dục các địa phương đang đẩy nhanh khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra để các trường học sớm ổn định dạy - học.
Tạm gác lại nhà cửa ngổn ngang sau lũ, ngày 11/9, các thầy cô giáo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nhanh chóng đến trường dọn dẹp lớp học, lau chùi bàn ghế để chuẩn bị cho học trò trở lại trường.
“Qua thống kê, khoảng 50 gia đình của học sinh bị ảnh hưởng do cơn bão. Sáng 11/9, tất cả cán bộ giáo viên, nhân viên của trường đã đến nhà học sinh và một số nhà dân tại thôn Hoà Lạc, xã Thống Nhất để hỗ trợ công tác dọn dẹp, lao động vệ sinh do ảnh hưởng lũ lụt mưa bão và động viên gia đình, học sinh ổn định để sẵn sàng quay trở lại trường học”, thầy Mai Anh Tài - Hiệu trưởng Trường THCS Thống Nhất trao đổi.
Cô Phạm Thị Út - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Trạch, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) cho biết: Những ngày qua trên địa bàn xảy ra mưa lũ, thực hiện chỉ đạo của phòng GD&ĐT, trường đã cho học sinh nghỉ học, các thầy cô triển khai công tác dọn dẹp vệ sinh, lau dọn phòng học, đồ dùng, đồ chơi.
Do trường đóng chân trên địa bàn xã miền núi, đời sống người dân còn nhiều vất vả nên công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ khá gian nan. Tuy nhiên, các thầy cô giáo vẫn động viên nhau, nỗ lực giúp đỡ phụ huynh và học sinh tại địa phương vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống để trẻ ổn định tâm lý trở lại với trường, lớp.
TP Thái Nguyên - một trong những địa phương chịu ảnh hưởng và thiệt hại lớn từ trận mưa lũ từ ngày 7 - 9/9. Ngay khi những đợt mưa lớn vừa dứt, nước rút, giáo viên Trường Mầm non Gia Sàng đến trường để dọn lớp học. Trời hửng nắng nước lũ rút hẳn, để lại bùn đất ngổn ngang khắp sân trường.
Cô Nguyễn Thị Hương - Hiệu trưởng cho hay, trận mưa lũ lịch sử vừa qua khiến trường ngập sâu 2m, nhiều đồ đạc bị hư hỏng như giá để đồ, tủ đồ cá nhân, kệ góc lớp, đồ dùng, đồ chơi của học sinh.
Cũng theo cô Hương, ngay khi nước rút, các thầy cô nhanh chóng bắt tay vào dọn dẹp bùn đất, bàn ghế đảm bảo vệ sinh môi trường cho trẻ đi học trở lại. Bên cạnh lau dọn bùn đất từ nền lớp học, các cô cũng rửa toàn bộ bàn ghế, đồ dùng đồ chơi.
“Nhà trường rất vui khi sáng 11/9, lãnh đạo TP Thái Nguyên do Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Tuyết xuống thăm hỏi, động viên giáo viên và cùng các thầy cô khắc phục khó khăn để sớm ổn định trường lớp”, cô Nguyễn Thị Hương chia sẻ.
Theo thông tin từ Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên, trận mưa lũ lịch sử vừa qua, toàn tỉnh có 25 trường bị thiệt hại. Tại TP Phổ Yên có 9 trường bị bay tốc mái tôn, biển cổng trường. Huyện Võ Nhai có điểm trường Thống Nhất, Trường THCS Bình Long bị tốc toàn bộ mái dãy nhà lớp học 2 tầng 8 phòng với trên 500m2, kéo theo toàn bộ xà gồ sắt xuống, đổ đầu dốc lớp học. Khu nhà công vụ giáo viên gồm 6 phòng thì bị tốc mái 2 phòng.
Tại TP Thái Nguyên, Trường Tiểu học Sơn Cẩm 3 bị bay một số bảng biểu, gãy cành cây đập vào mái khu vực nhà vệ sinh học sinh, 2 cửa sổ 2 lớp bị gió giật vỡ kính; Trường THCS Quang Trung trần cầu thang tầng 2, 2 lớp học, khu vực phòng chờ giáo viên bị nứt, vỡ từng mảng lớn. Nhiều trường bị ngập sâu trong nước như Trường Mầm non Quang Vinh, Trường Tiểu học Gia Sàng…
Những ngày này thời tiết các tỉnh thành phía Bắc xuất hiện tình trạng mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở đất khiến đời sống của người dân ảnh hưởng nghiêm trọng.
Cô Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, trong ba ngày qua, học sinh vẫn đến trường học bình thường. Hơn 1.000 học sinh của trường có gia đình nằm ở khu vực bãi ven sông Hồng. Từ đêm 10/9 đến sáng 11/9, mực nước sông lên cao chạm mức báo động 2, hơn 200 em đã xin nghỉ học hôm nay do không thể di chuyển vì nhà ngập úng.
Trong tình thế hiện nay, nhà trường tiếp tục thực hiện nghiêm theo chỉ đạo từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn quận Hoàn Kiếm; tổ chức rà soát danh sách giáo viên, nhân viên, học sinh thuộc diện bị ảnh hưởng bởi mưa lũ sau bão số 3 để có phương án hỗ trợ kịp thời. Đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tế để bố trí lịch học cho học sinh phù hợp. Các em chỉ đến trường học khi đảm bảo các điều kiện an toàn.
“Cái khó của chúng tôi bây giờ là nếu phải dừng đến trường vì mưa lũ thì triển khai dạy - học online gặp khó khăn. Đời sống của phụ huynh đa số lao động tự do, không có điều kiện để trang bị cho các em thiết bị học trực tuyến. Hơn nữa, nhiều khu vực bị cắt điện do ngập lụt thì việc học online càng khó khả thi. Ban giám hiệu nhà trường tiếp tục xin ý kiến chỉ đạo từ phòng GD&ĐT quận để có phương án dạy học thích hợp”, cô Hồng nói.
Từ ngày 10/9, nhiều trường trên địa bàn TP Nam Định (Nam Định) cho học sinh nghỉ học do các tuyến phố bị ngập úng nghiêm trọng, việc di chuyển của người dân gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, các tuyến đường nối vào TP Nam Định từ quốc lộ 10 ngập sâu khiến việc lưu thông bị đình trệ. Công tác khắc phục hậu quả mưa lũ đang được các nhà trường triển khai khẩn trương.
Cô Mai Thị Lừng - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Văn Lan, TP Nam Định thông tin, hiện tại sân trường vẫn tiêu nước tốt nên mọi hoạt động của thầy trò diễn ra đúng kế hoạch. Dù vậy, một số học sinh nhà ở khu vực xã Mỹ Tân nằm ven đê sáng 11/9 phải xin về sớm để cùng bố mẹ chạy lũ.
“Trong những ngày này, chúng tôi tiếp tục vừa đón học sinh đến học và theo dõi sát tình hình thời tiết, các chỉ đạo của sở GD&ĐT, hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định để có phương án đảm bảo an toàn cho học sinh. Nhờ sự chủ động từ trước, sau khi bão số 3 quét qua, trường chỉ bị đổ 2 cây, toàn bộ hệ thống phòng học, phòng chức năng vẫn an toàn”, cô Lừng trao đổi thêm.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ cũng như thiệt hại nặng nề ở các địa phương trong tỉnh, học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Lào Cai lên đường hỗ trợ khắc phục thiệt hại do thiên tai, mưa lũ gây ra.
Ngay trong ngày 10/9, hơn 400 học sinh, sinh viên, giáo viên của trường đã về hỗ trợ các địa phương đang chịu ảnh hưởng của mưa lũ. Trong đó, gần 300 em di chuyển về huyện Bảo Yên - địa phương có nhiều điểm ngập nặng. Hơn 100 em đến hỗ trợ các địa bàn của TP Lào Cai.
Để bảo đảm an toàn, nhà trường cử các thầy cô phụ trách hướng dẫn cũng như quản lý các em trong quá trình thực hiện việc hỗ trợ người dân tại cơ sở. Đồng thời, các đoàn sẽ phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và chịu sự phân công nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của địa phương.
“Bên cạnh mục đích hỗ trợ nhân dân vùng lũ khắc phục hậu quả thiên tai, qua các chuyến đi này cũng góp phần giáo dục chính trị tư tưởng cho học sinh, sinh viên biết chia sẻ, yêu thương, sống có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội”, thầy Hoàng Quang Đạt - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lào Cai cho biết.
Ngoài hỗ trợ về nhân lực, thầy và trò nhà trường cũng chuẩn bị các nhu yếu phẩm cần thiết như mỳ ăn liền, nước uống… trị giá hàng trăm triệu đồng để hỗ trợ đồng bào ở vùng lũ.
Theo thầy Đạt, với mong muốn chung tay góp sức khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, hiện Trường Cao đẳng Lào Cai vẫn tiếp nhận các thông tin, yêu cầu hỗ trợ từ các địa phương. Từ đó, có căn cứ để bố trí giáo viên, học sinh đến hỗ trợ, giúp đỡ được hiệu quả nhất.
Do ảnh hưởng của mưa lũ khiến nhà của cô Lê Thị Quỳnh Nga - giáo viên Trường Tiểu học Bắc Lệnh, TP Lào cai bị sụt lún, nứt tường và có nguy cơ sạt lở.
“Gia đình rất lo khi phía sau nhà bị sụt lún, nứt tường. Cùng với đó, nhà tôi ở phía dưới Trường Chính trị tỉnh, qua kiểm tra, phía trên sân trường cũng bị nứt và nguy cơ mất an toàn. Chúng tôi đã quyết định di chuyển đến nơi ở mới. Mấy hôm nay, giáo viên nhà trường và đồng nghiệp của chồng tôi ở Trường THCS Pom Hán - TP Lào Cai đã đến hỗ trợ di chuyển đồ đạc, dọn dẹp nơi ở mới để sớm ổn định”, cô Nga chia sẻ.
Trận mưa lũ vừa qua cũng khiến nhà của 6 thầy cô Trường Tiểu học Nguyễn Du, TP Lào Cai bị ngập úng. Ngay sau khi nước rút, nhà trường cắt cử cán bộ giáo viên đến từng nhà thầy cô chịu ảnh hưởng để giúp đỡ gia đình dọn dẹp.
Cô Đặng Thị Hồng Vân - giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Du chia sẻ: “Sáng 10/9, sau khi nước rút, giáo viên nhà trường đã đến nhà để hỗ trợ lau chùi, dọn dẹp đồ đạc. Mặc dù thiệt hại không nhiều nhưng nhà, bếp phủ dầy bùn đất. Có sự giúp đỡ của đồng nghiệp, tôi cảm thấy ấm lòng”.
Tại TP Hải Phòng, cơn bão số 3 khiến 2.687 phòng học bị tốc mái, bung cửa. Trong đó, có 1.670 phòng có thể sửa chữa, khắc phục ngay; 1.017 phòng phải tiến hành sửa chữa lớn; nhiều nhà để xe, nhà ăn, bếp ăn, tường bao bị sập.
Ngay khi bão tan, các trường học khẩn trương kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất, huy động cán bộ, giáo viên phối hợp lực lượng chức năng dọn dẹp vệ sinh với hy vọng sớm đón học sinh trở lại...
Thông tin từ Sở GD&ĐT Hải Phòng, ngày 11/9, nhiều quận, huyện chủ động cho học sinh đi học trở lại. Các đơn vị giáo dục do sở GD&ĐT quản lý thì có 53 trường đủ điều kiện đón học sinh đi học ngày 11/9; còn 17 trường đang nỗ lực khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra.
Tuy nhiên, sáng 11/9, Hải Phòng mưa lớn trên diện rộng, nhiều tuyến đường rơi vào cảnh ngập lụt, không ít đơn vị gặp khó khăn do nước mưa thấm, dột; hệ thống cống, nhà vệ sinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tại Trường Tiểu học Đằng Hải, quận Hải An, với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, Cảnh sát biển, cán bộ giáo viên nhà trường thu gom xong cành cây, thanh sắt, mái tôn bị rơi đổ, quét dọn sân trường, lớp học.
Chia sẻ của cô Phó Hiệu trưởng Bùi Thị Hường, trong ngày 10/9, nhà trường tiếp tục khắc phục hậu quả cơn bão, ổn định cơ sở vật chất để hoạt động giáo dục ổn định trở lại, bảo đảm an toàn đón học sinh đến trường vào ngày 11/9, nhưng nhà trường chưa tổ chức cho học sinh ăn bán trú.
Trường Tiểu học Cát Bi, quận Hải An là đơn vị ít bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Theo chỉ đạo của các cấp, sáng 11/9, toàn bộ 1.800 học sinh của trường quay trở lại lớp.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh mùa mưa bão, nhà trường duy trì học 1 buổi/ngày và không tổ chức ăn bán trú. Đến khoảng 10 giờ 30 khi học sinh ra về, trời mưa nặng hạt, toàn bộ sân trường đã ngập ngang đầu gối, việc di chuyển của phụ huynh, học sinh gặp khó khăn.
Cô Nguyễn Thị Phương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cát Bi cho hay, sáng 11/9, ngày đầu tiên học sinh đến trường sau đợt nghỉ do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Nhà trường đã nhắn phụ huynh lưu ý đảm bảo an toàn cho các em khi đến trường. Nhưng diễn biến thời tiết còn chưa ổn định, sân trường bắt đầu lụt do ảnh hưởng của mưa.
“Với học sinh cha mẹ chưa kịp đón, nhà trường yêu cầu ở lại trong lớp; em nào không có người đón, Đoàn thanh niên và cô giáo chủ nhiệm đưa về tận nhà. Ban giám hiệu báo cáo phòng GD&ĐT quận cho phép nhà trường thông báo tới phụ huynh cho học sinh nghỉ ngày 12/9 đến khi thật sự an toàn mới đón trò đến lớp”, cô Phương nói.
Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền chưa tổ chức dạy học trở lại do một số điều kiện về cơ sở vật chất không đảm bảo. Theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hương, các dãy phòng học của trường không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng hệ thống đường ống, bể phốt, nhà vệ sinh không đảm bảo.
Chiều 10/9, nhà trường đã thuê thợ kiểm tra và xử lý nhưng chưa thực sự ổn định nên không thể cho học sinh đi học. Hơn nữa, con đường đến Trường Tiểu học Lê Hồng Phong rất nhỏ, xung quanh có 3 trường học các cấp, cây xanh đổ ngổn ngang chiếm 2/3 lòng đường vẫn chưa được xử lý, việc cho học sinh đi học trở lại rất khó đảm bảo an toàn.
Cập nhật đến 10 giờ 30 phút ngày 10/9, thiệt hại do bão gây ra đối với ngành Giáo dục rất lớn về cơ sở vật chất, hệ thống trường lớp học, thiết bị phục vụ dạy và học bị hư hỏng nặng, làm đình trệ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động dạy và học. Cụ thể, có 2.687 phòng học bị ảnh hưởng do tốc mái, bung cửa. Số phòng học bộ môn bị ảnh hưởng là 369; trong đó 273 phòng có thể sửa chữa, khắc phục ngay, 96 phòng phải tiến hành sửa chữa lớn. Công trình phụ trợ không thể sử dụng là 732 phòng...