Đảm bảo tính công bằng
“Giáo dục là một trong những ngành lớn, có số lượng công chức, viên chức đông. Khi có Luật Nhà giáo, sẽ sớm giải quyết những bất cập và vướng mắc liên quan đến các quy định pháp luật về đội ngũ giáo đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý tạo cơ sở pháp lý, căn cứ thống nhất để áp dụng trong thực tiễn liên quan đến đội ngũ nhà giáo” – Bà Nguyễn Thị Thuỷ cho biết.
Còn ông Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ: “Việc ban hành Luật Nhà giáo sẽ giúp nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo; khắc phục những bất cập hiện nay; tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo; tạo cơ hội cho nhà giáo yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, hết lòng vì học sinh.
Chia sẻ về sự cần thiết phải ban hành Luật Nhà giáo, cô Lò Thị Phước, chủ Nhóm trẻ độc lập tư thục Smart Kids (Lai Châu) cho biết: “Chúng tôi mong muốn Luật Nhà giáo thể hiện sự bình đẳng giữa mọi nhà giáo, bất kể là ở hệ thống giáo dục công lập hay ngoài công lập. Hiện, chúng tôi đã được tiếp cận và tham gia các hoạt động trong ngành Giáo dục nhưng hầu hết văn bản, thang đo, tiêu chí đánh giá giáo viên lại phù hợp nhiều hơn với cơ sở giáo dục công lập”.
“Cho dù môi trường nào, nhà giáo đều đang làm công việc giáo dục và đào tạo. Chúng tôi mong muốn nhà nước quan tâm hơn để những giáo viên ngoài công lập được hưởng các chế độ, chính sách, phúc lợi xã hội bình đẳng như giáo viên công lập” – cô Lò Thị Phước bày tỏ.
Nhóm trẻ độc lập tư thục Đam Mê tại thành phố Điện Biên Phủ. |
Còn cô Nguyễn Thị Việt Anh, Chủ nhóm trẻ độc lập tư thục Đam Mê tại thành phố Điện Biên Phủ cho biết: “Có Luật Nhà giáo sẽ giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục một cách rõ ràng, cụ thể hơn. Ngoài ra nếu có luật nhà giáo rõ ràng, sẽ thống nhất được tiêu chuẩn, tiêu chí và chuẩn mực đối với nhà giáo. Đồng thời, bảo đảm quyền lợi giáo viên bằng những quy định cụ thể của pháp luật. Mặt khác, tạo điều kiện cho sự phát triển sáng tạo của giáo viên. Điều này, là vô cùng cần thiết đối với đội ngũ nhà giáo, không phân biệt làm việc trong trường công lập hay ngoài công lập”.
Đại diện cho cơ sở mầm non ngoài công lập, cô Nguyễn Thị Việt Anh mong muốn có chính sách hỗ trợ một phần cơ sở vật chất để từng bước hiện đại hóa, đặc biệt là những vùng kinh tế khó khăn, thu học phí thấp. Bên cạnh đó, cần chính sách hỗ trợ một phần tiền lương cho giáo viên để đảm bảo mức sống cũng như góp phần giảm học phí cho trẻ.