Trong chương trình giáo dục phổ thông, với mục tiêu giúp các công dân tương lai có năng lực, có phẩm chất, thì chương trình đã dành nhiều thời lượng cho hoạt động trải nghiệm. Điều đó có nghĩa là, các hoạt động tại nơi di sản, di tích đã có điều kiện chính quy hóa, được yêu cầu thay đổi về chất lượng, và nội dung.
Ở một cách tiếp cận khác, đó là “hiện đại hoá, công nghệ hoá” di sản sẽ nâng tầm nhận thức và nâng tầm trải nghiệm của di sản. Đồng thời sẽ giúp những người học sinh có thể tiếp cận di sản ở mọi không gian, thời gian chứ không cần đến trực tiếp. Hiện nay nhiều di sản ở Việt Nam đã bắt đầu làm được điều đó như di sản Hoàng thành Huế, Thánh địa Mỹ Sơn, Hoàng thành Thăng Long,… nhưng sự kết nối với giáo dục thì chưa rõ nét, chưa đi vào đời sống học trò.
Phải làm sao để từ ý nguyện, từ một nét văn hóa có thể trở thành một hoạt động giáo dục ý nghĩa. Không khó làm, khi “học trò muốn, học trò sẽ làm” và cần “được học đúng cách”. Nhưng sẽ trở thành “khó” nếu ai đó cho rằng “mới, và chưa được đào tạo để thực hiện”. Di sản vật chất đã tồn tại cả mấy trăm năm. Di sản tinh thần thành văn hóa, thành “tục lệ” truyền đời từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Ý tôi nói là chỉ “khó” vì không chịu làm đúng, hiểu đúng về di sản, để bày tỏ thành một hoạt động giáo dục. Phải chăng người lớn bị quen thói trải nghiệm xô bồ, nên khó làm cho tụi trẻ điều gì sâu sắc!
Xuân này con gái tôi tự trải nghiệm tại Văn Miếu cùng các bạn. Con đã nhận ra sự khác biệt so với mùa Xuân trước. Con cũng đã có đêm sống trong hoạt cảnh ở Hỏa Lò, ở Hoàng Thành Thăng Long. Con và các bạn chắc ngấm được chút ít. Nên tôi có mùa Xuân ở trong lòng, nên tôi thấy có sự thay đổi ở hành động của các cháu.
Xuân mới, một cách nguyện cầu mới!