Mong muốn có cơ chế đặc thù hỗ trợ giáo viên vùng khó

Trúc Hân | 22/05/2022, 09:53
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thầy, cô giáo Kon Tum mong rằng sẽ có thêm cơ chế đặc thù để hỗ trợ, khích lệ giáo viên vùng khó. Đồng thời, tạo lối mở hơn nữa khi xét danh hiệu Nhà giáo ưu tú để có nhiều cán bộ, giáo viên được tôn vinh.

Học sinh và giáo viên ở vùng khó huyện Kon Plông (Kon Tum).Học sinh và giáo viên ở vùng khó huyện Kon Plông (Kon Tum).

Quan tâm đến đời sống giáo viên

Thầy Lê Bá Bộ, Hiệu trưởng trường TH-THCS Trường Sa (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) chia sẻ, trong những năm qua Bộ GD&ĐT, các cơ quan Ban, ngành cũng như ngành Giáo dục địa phương đã quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng và đời sống của cán bộ, giáo viên. Điều đó trở thành niềm động viên, khích lệ tinh thần to lớn đối với các thầy, cô giáo. Tuy nhiên, theo thầy Bộ cũng có một số vấn đề còn gây khó khăn cho cán bộ, giáo viên.

Thầy Bộ cho hay, với cương vị là người đứng đầu nhà trường, thầy mong muốn Bộ GD&ĐT, các cấp chính quyền… quan tâm hơn nữa đến đời sống giáo viên. Từ đó, có những chính sách đặc thù và ưu đãi đối với nhà giáo.

Bên cạnh đó, thầy Bộ cũng băn khoăn về vị trí việc làm và tỉ lệ giáo viên đứng lớp. Bởi theo thầy Bộ, trên giấy tờ thì giáo viên đủ, nhưng thực tế ở các trường vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên.

Thầy Bộ đưa ra ví dụ, mỗi trường học có chỉ tiêu từ 4-6 nhân viên, tuy nhiên hiện tại trường TH-THCS Trường Sa chưa có nhân viên thư viện và y tế.

“Việc giáo viên không đủ sẽ ảnh hưởng phần nào đến quá trình giảng dạy chương trình GDPT 2018. Bên cạnh đó, nhân viên văn thư cũng theo diện hợp đồng nên sẽ không yên tâm công tác tại trường”, thầy Bộ chia sẻ.

Tương tự thầy Bùi Văn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Bội Châu (Kon Tum) còn nhiều trăn trở trong lĩnh vực giáo dục.

Thầy Minh cho hay, trăn trở lớn nhất của thầy là mức lương của giáo viên, đặc biệt là giáo viên ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Một số giáo viên sau khi hoàn thành chương trình dạy học trên trường, lớp còn tranh thủ đi làm thêm để lo toan cho cuộc sống.

“Trước những nỗ lực, cống hiến hết mình vì sự nghiệp giáo dục, tôi mong rằng có những chính sách đặc thù hơn nữa để hỗ trợ, khích lệ tinh thần giáo viên vùng sâu, vùng xa”, thầy Minh bộc bạch.

Ngoài ra, đối với Ban đại diện cha mẹ học sinh, thầy Minh mong muốn không chỉ Ban đại diện mà tất cả các bậc phụ huynh sẽ đồng hành, cùng nhà trường quan tâm, dạy dỗ các em học sinh. Đồng thời, giáo dục kĩ năng sống, đạo đức cho học sinh không chỉ ở nhà trường, gia đình mà ngay cả ngoài xã hội. Từ đó sẽ giúp học sinh hoàn thiện được đức – tài, cống hiến, hỗ trợ để xã hội ngày càng phát triển. Nhờ vậy sẽ đáp ứng nhu cầu, tình hình thực tế của xã hội.

Mong muốn tạo thêm lối mở khi xét danh hiệu Nhà giáo ưu tú

Thầy, cô giáo mong rằng có những cơ chế đặc thù để hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa.

Đối với nghị định quy định xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, cô Trần Thị Thu Thuỷ, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ góp ý, đề xuất sửa đổi một tiêu chuẩn danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”.

Theo cô Thuỷ, các cán bộ quản lý, giáo viên đã có hàng chục năm cống hiến, sáng tạo để giáo dục ra nhiều thế hệ học sinh học tập tiến bộ. Ngoài ra, nếu muốn được công nhận là Nhà giáo ưu tú - bên cạnh phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết, tận tụy với nghề, là tấm gương sáng, là nhà giáo mẫu mực... thì phải có 7 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc 7 lần được tặng danh hiệu giáo viên, giảng viên dạy giỏi cùng cấp, 1 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, bộ...

Với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì tiêu chuẩn có 5 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc 5 lần được tặng danh hiệu giáo viên dạy giỏi cùng cấp.

Cô Thuỷ mong rằng, đối với tiêu chuẩn để công nhận Nhà giáo ưu tú thì phải có đề tài nghiên cứu hoặc sáng kiến kinh nghiệm được cấp tỉnh nghiệm thu - có thể sửa đổi thành cấp ngành là Sở GD&ĐT nghiệm thu. Từ đó sẽ giảm bớt tiêu chuẩn để tạo lối mở cho cán bộ, giáo viên phấn đấu, đặc biệt là thầy cô ở vùng sâu, vùng xa.

"Tôi mong rằng Nhà giáo ưu tú khi được công nhận, ngoài năng lực chuyên môn phải có sức lan toả, có nhiều hoạt động hỗ trợ học sinh vùng khó khăn”, cô Thuỷ chia sẻ.

Ngoài ra, nữ hiệu trưởng cho biết, hiện nay Thông tư 02 về Thăng hạng chức danh nghề nghiệp chưa có cấp Tiểu học lên hạng 1. Cô Thuỷ cho rằng, nếu muốn thôi thúc cán bộ, giáo viên học, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ thì phải có chế tài để thi Thăng hạng 1.

“Quan niệm của tôi rằng, học – học nữa – học mãi. Bên cạnh việc học để bồi bổ kiến thức, tôi còn muốn làm gương cho giáo viên, học sinh và chính con cái mình. Từ đó, giúp giáo viên có thêm động lực dạy – học tốt”, cô Thuỷ tâm sự.

Bài liên quan
Nhật Bản: Băn khoăn khi đưa giáo dục tài chính vào chương trình phổ thông
Từ năm học 2022 - 2023, Nhật Bản yêu cầu các trường trung học đưa giáo dục tài chính vào giảng dạy nhằm nâng cao hiểu biết về tài chính cho học sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mong muốn có cơ chế đặc thù hỗ trợ giáo viên vùng khó