Dịp hè này, ngành GD-ĐT huyện Krông Bông (Đắk Lắk) tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ đầu tư cơ sở vật chất tới đội ngũ...
H9 là căn cứ cách mạng quan trọng của tỉnh Đắk Lắk trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hiện nay, hang đá Đắk Tuar (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) trở thành Di tích lịch sử quốc gia, địa chỉ đỏ giáo dục cách mạng cho đời sau.
Gần 50 năm sau ngày giải phóng (9/5/1965), H9 bây giờ với tên gọi Krông Bông đã thay da đổi thịt. Ngành Giáo dục từng bước chuyển mình, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29. Dù trong hoàn cảnh nào, tình thương yêu học trò chính là động lực để mỗi thầy cô lựa chọn gắn bó, cống hiến cho đất và người nơi đây.
Thầy Nguyễn Hồng Thuần - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cư Pui 2 (xã Cư Pui) cho biết, trải qua muôn vàn gian khó, lớp lớp thầy cô giáo vẫn kiên trung bám trụ với đất và người Cư Pui.
“Hằng năm, để bảo đảm chỉ tiêu học sinh ra lớp đúng tuổi, hầu hết thầy cô tự nguyện rút ngắn lịch nghỉ hè để cùng nhau băng rừng, lội suối đến tận nhà vận động học sinh ra lớp. Đối với các điểm lẻ nằm xa điểm chính hơn chục km như thôn Ea Rớt (Cổng trời), nhiều thầy cô còn vào sửa sang phòng ốc, chuẩn bị nơi ăn, chốn ở cho các em”, thầy Thuần chia sẻ và cho biết thêm, năm học 2024 - 2025 có thuận lợi hơn vì 3 điểm lẻ có phòng học tương đối khang trang với bờ rào bao quanh kiên cố.
Còn điểm chính chưa có tường rào. Tuy nhiên, vận động học sinh ra lớp vẫn gặp khó, nhất là nhóm trẻ theo bố mẹ đi nương, rẫy xa, không học mẫu giáo 5 tuổi. Đến nay mới chỉ có mấy chục em đăng ký vào lớp 1 ở điểm chính và 3 điểm lẻ.
Mặc dù vậy, thầy Thuần và đội ngũ nơi đây với tình yêu nghề, yêu trẻ vẫn tin tưởng sẽ hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Tương tự, thầy Vũ Đình Tùng - Hiệu trưởng Trường tiểu Yang Mao (xã Yang Mao) tâm sự, những năm trước đây, tỷ lệ học sinh ra lớp đúng độ tuổi chỉ đạt 95% - 98%. Tuy nhiên, nhờ áp dụng nhiều giải pháp, năm học 2023 - 2024, nhà trường đã vận động 100% học sinh ra lớp. Năm học tới, trường tuyển sinh hơn 100 học sinh cho cả 3 điểm lẻ và điểm chính.
“Bên cạnh sự nhiệt tình, năng động của thầy cô, nhà trường còn phối hợp cùng già làng, trưởng buôn, thôn, chi đoàn thanh niên, hội phụ nữ… để tuyên truyền, vận động bà con. Nhờ phát huy sức mạnh tổng hợp hệ thống chính trị cơ sở, công tác huy động học sinh ra lớp đúng độ tuổi mới đạt hiệu quả như mong đợi”, thầy Tùng nói, đồng thời khẳng định, năm học này sẽ cố gắng đạt 100%.
Ông Huỳnh Viết Trung - Trưởng phòng GD&ĐT Krông Bông chia sẻ, dù được sự quan tâm đầu tư từ nhiều nguồn lực, nhưng Krông Bông vẫn thuộc huyện nghèo. Bước vào năm học 2024 - 2025, đòi hỏi toàn ngành GD-ĐT nỗ lực nhiều hơn nữa trong dạy học.
“Thời điểm hè, chúng tôi tích cực làm việc, tham mưu với UBND huyện, phối hợp các phòng, ban, địa phương và nhà trường rà soát lại cơ sở vật chất, phòng học, tường rào, thiết bị dạy học, sân chơi bãi tập, đội ngũ. Mục tiêu, khi bước vào năm học mới bảo đảm 100% trường học tập trung cho dạy và học”, ông Trung nói.
Một trong những quyết tâm chính trị được địa phương và ngành Giáo dục đồng thuận là tăng chỉ tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Theo đó, năm học tới, nghị quyết huyện Krông Bông giao xây dựng thêm 2 trường. Tuy nhiên, qua rà soát, ngành Giáo dục quyết tâm xây dựng 4 trường chuẩn, gồm: 2 trường THCS là Hòa Phong và Dang Kang; Trường Tiểu học Yang Mao và Trường Mẫu giáo Măng Non.
Tại Trường THCS Hòa Phong (xã Hòa Phong), dịp hè, phòng GD&ĐT huyện về đánh giá lần 1, cơ bản đạt mức 2 kiểm định và tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để chuẩn bị cho công nhận đạt chuẩn mức độ 1.
Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nhân, năm học tới, Trường THCS Hòa Phong có 743 học sinh với 19 lớp (tăng 1). Hiện nay, 100% giáo viên tham gia tập huấn sách giáo khoa lớp 9, phòng học, thiết bị dạy học cơ bản đầy đủ.
Tuy nhiên, để đạt chuẩn quốc gia, thầy Nhân chỉ ra một số khó khăn cần vượt qua, như: So với biên chế được giao, hiện còn thiếu 2 giáo viên (37/39). Có 38m tường rào chưa đảm bảo. Khu giáo dục thể chất không đồng bộ. Phòng học bộ môn chưa có, giải pháp hiện tại là dùng phòng học văn hóa để thực hiện dạy học bộ môn. “Như vậy, theo quy định của Bộ GD&ĐT, phòng học bộ môn chưa đạt chuẩn”, thầy Nhân trăn trở.
Trong khi đó, thầy Vũ Đình Tùng băn khoăn khi 3 điểm lẻ của Trường Tiểu học Yang Mao đang thiếu hệ thống tường rào bao quanh và công trình vệ sinh chưa bảo đảm.
“Như điểm lẻ ở Buôn Ea Chố do nằm tách biệt trên đồi cao, UBND xã đang có kế hoạch chuyển đổi cho trường mầm non, vì vậy, năm học mới này không đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Hiện tại, điểm này thiếu cả công trình nước sạch và nhà vệ sinh. Ở điểm chính, chưa có phòng học bộ môn, phòng chức năng. Một khó khăn nữa, tỷ lệ giáo viên/lớp còn thiếu, hiện mới chỉ đạt 1,36 giáo viên/lớp, trong khi quy định là 1,5 giáo viên/lớp”, thầy Tùng nói.
Nhằm tháo gỡ những khó khăn trên, ông Huỳnh Viết Trung khẳng định, UBND huyện đã chỉ đạo quyết liệt, ngành GD-ĐT sẽ chung sức đồng lòng triển khai tốt kế hoạch năm học 2024 - 2025, trong đó có nhiệm vụ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Đối với đội ngũ, phòng GD&ĐT đã phối hợp với phòng Nội vụ và các trường xây dựng phương án bố trí giáo viên dạy 100% các môn và đủ số tiết tại trường tiểu học. Riêng với cấp THCS đang thừa, thiếu cục bộ ở một số nhà trường. Vì vậy, trong dịp hè, phòng tiến hành rà soát để điều tiết hợp lý, đảm bảo thực hiện dạy học tốt năm học 2024 - 2025.
Theo thống kê, toàn ngành GD-ĐT huyện Krông Bông hiện có 25/51 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 49,02%. Tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 612/759 phòng, chiếm 80,63%.
Huyện có 1.489 cán bộ, giáo viên, nhân viên. So với biên chế được giao, huyện còn thiếu 60 giáo viên mầm non và 30 giáo viên tiểu học.