Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan cũng cho hay, báo cáo tâm lý người tiêu dùng bất động sản Việt Nam (CSS) nửa cuối năm 2023 cho thấy 61% người dân vẫn muốn mua bất động sản trong vòng một năm tới.
Riêng trong quý 2, nhu cầu tìm mua phân khúc chung cư dưới 50 triệu đồng/m2 tại Tp.HCM tăng 29% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do nguồn cung vẫn nhỏ giọt khiến giá chung cư không giảm.
Vị này cho rằng, chi phí xây dựng căn hộ chung cư trung bình 12-13 triệu đồng/m2, chưa kể chi phí lãi vay 15-20%, thuế sử dụng đất, chí phí đền bù, giải tỏa, để một dự án cho ra ngoài thị trường với nhà ở thương mại thấp nhất cũng là 30 triệu đồng/m2 (cả VAT), nhà ở xã hội thì đã tầm 17-18 triệu đồng/m2, việc chờ để các dự án giảm trong tương lai là điều “tương đối khó”.
Số liệu thống kê của Batdongsan.com.vn chỉ ra, lượng tìm kiếm căn hộ với giá dưới 40 triệu/m2 là 8.9 triệu lượt tìm kiếm, trung bình 1 tháng có hơn 1.5 triệu lượt tìm kiếm, và đối với nhà riêng dưới 2.5 tỷ là hơn 2.1 triệu lượt tìm chứng tỏ nhu cầu nhà ở phân khúc này rất cao nhưng cả thị trường tìm mỏi mắt mới có 1 dự án dưới 40 triệu đồng/m2.
“Chưa bao giờ trên thị trường lại có nhiều chính sách tốt như vậy dành cho những nhóm mua nhà ở thật, chiết khấu 30-40%, giải ngân thấp có thể ký được hợp đồng dưới 10%, giãn thời gian thanh toán lên 5-7 năm, phù hợp với nhóm có thu nhập trung bình dân văn phòng. Có sẵn vài trăm triệu và thu nhập trung bình 20 triệu trong 5-7 năm có thể sở hữu được một bất động sản tại Tp.HCM”, ông Tuấn cho hay.
Theo các chuyên gia, để cải thiện sức cầu thì phải cải thiện nguồn cung. Giờ người có thu nhập trung bình muốn mua nhà cũng không có nhà để mua.
Để tăng cung cho thị trường nhà ở, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.HCM cho rằng việc đầu tiên là tháo gỡ pháp lý dự án, giúp các dự án căn hộ được xây dựng.
Trong đó, cần khơi thông pháp lý để dự án được xây đến khâu đủ điều kiện huy động vốn, tạo dòng tiền cho các doanh nghiệp hoàn thành dự án, tung sản phẩm ra thị trường. Ngoài vấn đề pháp lý, cũng cần giải quyết bài toán tín dụng, khơi thông dòng tiền bằng các chính sách hướng đến người có nhu cầu mua nhà ở thật, doanh nghiệp phát triển dự án cho người có nhu cầu.
Cụ thể, cần xem xét có các chính sách cho vay linh hoạt, giảm lãi suất cho người mua nhà có nhu cầu ở thật đang chiếm đa số.
“Vấn đề mấu chốt vẫn là cần tháo gỡ khó khăn để cho nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá vừa túi tiền được xây dựng, tăng nguồn cung”, ông Châu nhấn mạnh.