Tìm cách minh bạch dòng tiền
Theo TS Lưu Quốc Thái (Trường Đại học Luật TPHCM), hình thức mua bán nhà ở hình thành trong tương lai có nhiều rủi ro cho người mua. Rủi ro lớn nhất là mất tiền nhưng không nhận được nhà. Vì đây là kiểu “mua nhà trên giấy” trong khi sản phẩm có thể không hình thành. Ngoài ra, khách hàng có thể không được nhận nhà theo đúng tiến độ và chất lượng như đã thỏa thuận...
Vì thế ông Thái cho rằng, để đảm bảo an toàn, việc thanh toán mua bán nhà ở hình thành trong tương lai phải được thực hiện qua ngân hàng. Biện pháp này có thể thay thế bảo lãnh của ngân hàng nếu như buộc chủ đầu tư chuyển toàn bộ số tiền ứng trước vào một tài khoản ký quỹ. Số tiền này chỉ được giải ngân theo tiến độ thi công dự án của chủ đầu tư. Cũng cần tăng cường quy định về quản lý nhà nước đối với việc mua bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Một số chuyên gia cùng chung nhận định việc mua bán nhà ở hình thành trong tương lai phải có bảo lãnh là tất yếu, có bảo lãnh bắt buộc thì trường hợp chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính, bỏ dở dự án, người mua nhà mới có cơ sở để đòi tiền. Bên cạnh đó, việc buộc thanh toán giao dịch bất động sản qua ngân hàng sẽ hạn chế được hoạt động rửa tiền qua bất động sản, hạn chế giao dịch chui, giúp Nhà nước kiểm soát được giao dịch, chuyển nhượng thứ cấp, hình thành cơ sở dữ liệu nhà đất, phục vụ cho điều tiết thị trường.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM Lê Hoàng Châu cho rằng, Luật Kinh doanh BĐS chưa có cơ chế, chế tài đủ mạnh để bắt buộc chủ đầu tư chỉ được sử dụng vốn huy động trước của khách hàng đúng mục đích để hoàn thành BĐS bàn giao cho khách hàng theo hợp đồng. “Người mua nhà không thể biết chủ đầu tư làm gì với số tiền ứng trước đã nộp theo tiến độ. Bởi vậy, đề nghị số tiền người mua nhà đóng theo tiến độ sẽ mở một tài khoản đóng trong ngân hàng, tiến độ xây dựng đến đâu thì ngân hàng giải ngân đến đó. Với cách làm này ngân hàng sẽ là bên thứ 3 tham gia vào dự án với vai trò giám sát, quản lý dòng tiền của người mua nhà” - ông Châu nói.
Nhà ở hình thành trong tương lai ngày càng phổ biến. Mặc dù đã có nhiều văn bản pháp luật quy định về việc mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, nhưng quá trình thực hiện phát sinh nhiều vướng mắc. Để bảo vệ người mua nhà ở hình thành trong tương lai, nhiều lời khuyên cũng được đưa ra, trong đó cần đặc biệt lưu ý đến tính pháp lý của dự án. Chú ý để chọn được chủ đầu tư uy tín, có năng lực, tìm hiểu năng lực tài chính, thời gian hoạt động, các dự án đã triển khai, danh sách đối tác. Uy tín của chủ đầu tư cũng được phản ánh qua các dự án đã bàn giao và đi vào hoạt động. Những dự án có phản hồi tốt, ít thông tin kiện tụng cho thấy chủ đầu tư uy tín cao.
Để bảo vệ người mua nhà ở hình thành trong tương lai, Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất nhiều giải pháp trong dự thảo luật. Như bộ bổ sung vào dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản quy định bắt buộc phải đưa vào hợp đồng mua bán nhà một số nội dung như: Thông tin về dự án, tiến độ triển khai dự án, địa điểm đầu tư, thông tin khách hàng, chủ đầu tư dự án.
Theo khoản 19 Điều 3 Luật Nhà ở 2014, nhà ở hình thành trong tương lai là nhà ở đang trong quá trình đầu tư xây dựng và chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng. Luật pháp hiện nay cho phép chủ đầu tư dự án bất động sản có quyền bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai nhưng phải đảm bảo nhiều quy định ràng buộc. Dù vậy, mua bán loại hình nhà ở này vẫn được xem là tiềm ẩn nhiều rủi ro vì khách hàng đóng tiền theo yêu cầu của chủ đầu tư nhưng không biết chủ đầu tư sử dụng tiền ra sao.
Theo TS Lưu Quốc Thái (trường Đại học Luật TP.HCM) hình thức mua bán nhà ở hình thành trong tương lai có nhiều rủi ro cho người mua. Cụ thể, rủi ro lớn nhất của người mua là mất tiền nhưng không nhận được nhà. Vì đây là kiểu “mua nhà trên giấy” hay còn gọi là mua “lúa non” nên sản phẩm có thể không hình thành. Ngoài ra, khách hàng có thể không được nhận nhà theo đúng tiến độ và chất lượng như đã thỏa thuận...