Giáo dục

Mực viết và màu vẽ từ rau củ thải bỏ

28/08/2024 07:44

Mực thực vật được chế tạo từ các loại rau củ, quả thải bỏ là sản phẩm của nhóm sinh viên Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh, Đại học Đà Nẵng.

Mực từ thực vật

Mực thực vật là sản phẩm của nhóm sinh viên có tên Binks Team gồm: Trần Nhân Kiệt, Đinh Thị Ngọc Ánh, Trương Minh Tùng, Nguyễn Trần Bảo Trân, Nguyễn Thị Cẩm Nhung, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh, Đại học Đà Nẵng.

Trưởng nhóm Trần Nhân Kiệt chia sẻ, với mong muốn tìm ra một giải pháp an toàn, thân thiện với trẻ em và môi trường, nhóm đã chọn lựa và tập trung nghiên cứu đề tài này từ tháng 4/2023.

Thành viên nhóm nhận thấy, các loại sản phẩm màu vẽ, mực viết chứa thành phần hóa học không tốt cho sức khỏe, đặc biệt là trẻ em. Làm sao để có sản phẩm hoàn toàn từ thiên nhiên, lành tính là câu hỏi thôi thúc nhóm sinh viên đi tìm câu trả lời.

Sau 8 tháng nghiên cứu, vào tháng 12/2023, nhóm đã cho ra mắt sản phẩm mẫu đầu tiên, có tên “Botanical Inks” và nhận được phản hồi tích cực của người dùng. Đầu tháng 8/2024, sản phẩm của nhóm được QUATEST 2 - Tổng cục Đo lường Chất lượng Việt Nam chứng nhận kiểm định chất lượng không chứa thành phần kim loại độc hại, chất bảo quản hay chất nào từ dầu mỏ.

Rau củ quả chứa nhiều loại chất màu tự nhiên như anthocyanin, carotenoid và chlorophyll. Màu của các loại rau củ như cà chua, dứa và táo dựa trên hàm lượng chất màu và phổ hấp thụ ánh sáng.

Bắt tay thực hiện, nhóm tiến hành nghiên cứu để xác định những loại hoa quả, rau củ phổ biến và rộng rãi có thể được sử dụng để tạo mực như cà chua, dứa, táo, kiwi, quả lựu, cam, nho, chuối... Nguyên liệu được nhóm chọn sử dụng là vỏ và ruột thanh long, vỏ xoài, vỏ và ruột cam, ruột dưa hấu, vỏ chôm chôm, muối, giấm…

Sau khi đã chọn xong nguyên liệu, nhóm chiết xuất chất màu từ hoa quả và rau củ bằng cách tiến hành các phương pháp như nghiền, ép, chiết xuất hoặc sử dụng dung môi. Quá trình này nhằm lấy các chất màu tự nhiên có trong các thành phần của hoa quả và rau củ.

Chất màu sau khi được chiết xuất cần được lọc để loại bỏ các chất cặn và tạp chất. Sau đó, quá trình tinh chế có thể được thực hiện để cải thiện chất lượng và độ tinh khiết của chất màu.

Chất màu đã được tinh chế được kết hợp với các thành phần khác như chất làm đặc, chất bảo quản và chất tạo màu khác để tạo thành mực sinh học. Quá trình trộn đảm bảo mực có màu sắc và độ nhớt phù hợp.

muc viet va mau ve tu rau cu thai bo (1).JPG

Mực bay hơi nhanh, đậm màu

Mực sinh học được kiểm tra để đảm bảo chất lượng và độ bền. Các yếu tố như độ bám dính, độ phai mờ, độ bền với thời gian và khả năng chịu mài mòn được đánh giá. Chiết xuất màu từ rau củ quả không sử dụng thường là các chất tự nhiên, không chứa các chất phụ gia hóa học độc hại.

Trần Anh Kiệt cho hay, chi phí sản xuất mực viết từ rau củ quả không sử dụng thấp hơn so với mực viết truyền thống. Điều này là do rau củ quả là một nguồn nguyên liệu rẻ hơn và có sẵn hơn so với các thành phần hóa học được sử dụng trong mực viết truyền thống. Ngoài ra, mực viết từ rau củ quả không sử dụng có thể được sản xuất với quy mô nhỏ, điều này giúp giảm chi phí sản xuất.

Sản phẩm đã thử nghiệm thành công trên giấy canson, giấy A1, A2, A3, A4 và cho ra kết quả so sánh được với đa số màu nước trên thị trường với các tiêu chí độ bay hơi nhanh, độ đậm màu, tính dễ pha trộn. Tuy nhiên, điểm yếu của sản phẩm là hạn sử dụng không dài.

Mực/màu từ rau củ quả là một sản phẩm có tiềm năng lớn trong thị trường mực viết. Đây sẽ là một sản phẩm mới phù hợp với những người quan tâm đến môi trường và sức khỏe. Sản phẩm này cũng phù hợp với những người muốn sử dụng một sản phẩm có giá thành hợp lý và chất lượng cao. Màu vẽ khô nhanh gấp 8 lần so với màu nước truyền thống.

“Giờ đây, chúng em đang chuẩn bị để đưa sản phẩm “Botanical Inks” ra thị trường, với mong muốn cung cấp các sản phẩm màu vẽ, mực viết an toàn, thân thiện cho trẻ em và môi trường. Chúng em tin rằng, đây sẽ là một giải pháp tiên phong, góp phần vẽ nên tương lai xanh, sạch và bền vững cho Việt Nam. Sản phẩm của chúng em không chỉ mang lại sự an toàn cho người dùng, mà còn giúp giảm thiểu rác thải gây ô nhiễm do các loại màu vẽ, mực viết độc hại truyền thống”, Trần Nhân Kiệt chia sẻ.

Mục tiêu của nhóm là phát triển quy trình để tạo ra mực sinh học từ hoa quả và rau củ thừa không sử dụng, giảm lượng thực phẩm bị lãng phí từ quả và rau củ. Mực sinh học sẽ được thêm một số chất để làm cho nó khó phai mà vẫn có thể được tẩy bằng cồn, qua đó, chúng ta có thể sử dụng lại các cuốn sổ, góp phần vào mục đích môi trường lâu dài.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/muc-viet-va-mau-ve-tu-rau-cu-thai-bo-post698276.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/muc-viet-va-mau-ve-tu-rau-cu-thai-bo-post698276.html
Bài liên quan
Hỗ trợ, phát triển các khu công nghệ cao, thiết lập môi trường sáng tạo
Trong năm 2024, việc xây dựng và phát triển các khu công nghệ cao tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, với các chính sách hỗ trợ và dự án mới được triển khai, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mực viết và màu vẽ từ rau củ thải bỏ