Hàn Quốc đã cấm nhập khẩu hải sản từ khu vực Fukushima kể từ năm 2013 và gần đây cho biết họ có kế hoạch tiếp tục duy trì lệnh cấm này.
Nhưng lệnh cấm không làm yên lòng những người mua sắm Hàn Quốc.
Một cuộc khảo sát của Gallup Korea từ tháng 6 cho thấy, 78% những người được hỏi cho biết họ rất hoặc phần nào lo lắng về việc hải sản bị nhiễm độc. Khi được hỏi, một số khách hàng nói họ có thể ngừng ăn hải sản sau khi nước thải được xả ra.
Các quốc gia khác cũng đang hành động. Hôm 7/7, Trung Quốc tuyên bố cấm nhập khẩu thực phẩm từ 10 quận của Nhật Bản, bao gồm cả Fukushima, đồng thời đẩy mạnh các quy trình kiểm tra và giám sát đối với thực phẩm từ các vùng khác.
Cá được đo chất phóng xạ. Ảnh: CNN
Ngư dân Nhật-Hàn chịu ảnh hưởng
Nhiều ngư dân Nhật Bản đã phải tạm dừng hoạt động đánh bắt trong nhiều năm sau cuộc khủng hoảng kép liên quan đến nhà máy hạt nhân Fukushima hồi năm 2011.
Trước thảm họa, ngành công nghiệp đánh cá ven biển của Fukushima đã đánh bắt được lượng cá trị giá khoảng 69 triệu USD vào năm 2010.
Đến năm 2018, con số đó đã giảm xuống còn hơn 17 triệu USD. Vào năm ngoái, mặc dù đã phục hồi phần nào lên khoảng 26 triệu USD nhưng ngành này vẫn chỉ là một phần nhỏ so với trước đây.
Ngư dân Hàn Quốc đánh bắt gần khu vực biển Nhật Bản cũng chịu ảnh hưởng này.
Lee Gi-sam, một ngư dân ở thành phố cảng Tongyeong, cho biết: "Hiện hơn 80% người dân nói rằng họ sẽ ăn ít hải sản hơn, điều đó rất đáng lo ngại. Nếu người dân tránh hải sản, chúng tôi sẽ đối mặt với khủng hoảng phá sản".
Anh cũng lo lắng về độ an toàn của các loài hải sản.
"Nếu kế hoạch xả thải được tiến hành, tôi sẽ phải đánh bắt cá ở một nơi khác trong vùng nước không có phóng xạ", ngư dân Hàn Quốc khẳng định.
"Tôi bắt đầu sự nghiệp đi biển và tôi đã làm công việc này được 30 năm rồi. Tôi không có bất kỳ kỹ năng nào khác… Tôi đã sống cả đời bằng nghề đánh bắt cá nên tôi không thể thử làm bất cứ việc gì khác".