Cũng theo CBS News, không thể xác định liệu các quan chức Iran có thực hiện bất kỳ bước đi nào để cố gắng ngăn chặn các vụ tấn công được xem là nguy hiểm nhất trong nhiều thập niên nói trên hay không, dựa trên cảnh báo của Mỹ.
Ông Jon Alterman, giám đốc chương trình Trung Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington (Mỹ), cho rằng cảnh báo của Mỹ có thể phản ánh mong muốn rộng rãi hơn của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong việc tìm kiếm đối thoại với Iran.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh đã có những cuộc tấn công gần đây của những lực lượng ủy nhiệm được Iran hậu thuẫn nhằm vào các lợi ích của Mỹ, Israel và các nước phương Tây khác, cũng như những tiến bộ trong chương trình hạt nhân của Tehran.
“Đây là một cành ô liu (ý đề cập đối thoại và hòa bình với Iran - NV)” - ông Alterman nói với hãng tin Reuters, cho rằng chính quyền ông Biden tin rằng đối thoại giữa Washington và Tehran có thể mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Những nỗ lực của Tổng thống Biden, nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 vẫn trong tình trạng bế tắc, nhưng ông Alterman cho rằng các trợ lý của ông Biden vẫn muốn tìm cách đàm phán với Tehran.
“Đây là một cơ hội để bắt đầu xây dựng lòng tin, điều này khiến tôi cảm thấy nó như một trang trong quyển sách về cách thức ngoại giao” - ông Alterman nói thêm.
Ông Aaron David Miller thuộc Trung tâm Wilson ở Washington cũng đồng tình với quan điểm trên.
“Không thể thay đổi mối quan hệ Mỹ - Iran. Tất cả những gì có thể làm là tìm kiếm cơ hội để nói chuyện, giảm leo thang và tránh leo thang có thể dẫn đến chiến tranh” - ông Miller nói với Reuters.