Mỹ phẩm handmade: Cẩn thận 'tiền mất tật mang'

Hà Minh | 19/10/2023, 06:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Mỹ phẩm handmade được ưa chuộng bởi giá thành rẻ, không hóa chất, nguyên liệu tự nhiên, an toàn cho sức khỏe. Liệu chất lượng thực sự của sản phẩm có như vậy?

my-pham-1.jpg
Mua mỹ phẩm Handmade trên mạng xã hội bị dị ứng da.

“Sập bẫy” với mỹ phẩm thiên nhiên “rởm” trên mạng xã hội

Trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử, các loại mỹ phẩm handmade thường được quảng cáo là sử dụng nguyên liệu từ thảo dược hoặc các loại nguyên liệu tự nhiên khác, có tác dụng chăm sóc da, dưỡng da... an toàn tuyệt đối cho sức khỏe người sử dụng.

Xuất phát từ tâm lý “sợ hóa chất độc hại”, không ít người lựa chọn những sản phẩm handmade. Và vì giá thành của sản phẩm luôn rẻ hơn thị trường do được sản xuất thủ công và không phải thuê quảng cáo để nâng giá.

Cụ thể như một lọ dầu dừa, có tác dụng dưỡng ẩm da có giá từ 80.000 – 100.000 đồng/lọ. Một thỏi son có màu tự nhiên và gồm cả chất dưỡng môi có giá từ 70.000-120.000 đồng/thỏi. Một lọ kem làm trắng da toàn thân có giá 400.000-600.000 đồng/lọ.

Chị V.T.H (trú tại Phường Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội) vừa sử dụng gói sản phẩm dưỡng da gồm kem lột, mặt nạ ngủ và kem dưỡng da ban đêm. Sau 10 ngày sử dụng, da chị từ thâm nám, có mụn, trở nên trắng mịn, da sáng hơn.

Tuy nhiên, sau 1 tháng không thường xuyên dùng sản phẩm, da chị nổi mụn trở lại và nhiều hơn so với ban đầu. Chị phải đến một trung tâm chăm sóc da tại Hà Nội để điều trị “nhiễm độc” da, do các thành phần có hại trong gói sản phẩm dưỡng da chị đã sử dụng trước đó.

Theo chuyên gia y tế đã từng khuyến cáo, không nên sử dụng bất cứ loại mỹ phẩm tự chế được quảng cáo truyền miệng, hoặc bán trên mạng. Phần lớn mỹ phẩm tự chế không nhãn mác hoặc nếu có đều là nhãn tự chế, không được cơ quan chức năng kiểm định và đăng ký lưu hành.

Do vậy, dễ có sự “ngụy tạo” về thành phần và chất lượng sản phẩm. Người sản xuất có thể tự ý pha trộn các chất như coricoid, kháng sinh… vào thành phần của sản phẩm để tạo ra hiệu quả tức thì, nhưng gây hại cho da người sử dụng.

Tất nhiên, người sử dụng không thể biết được việc này, bởi người sản xuất không ghi các thành phần thêm vào lên nhãn mác, hay bao bì của sản phẩm.

Khi sử dụng mỹ phẩm handmade không đảm bảo chất lượng, có thể dẫn đến tình trạng viêm da tiếp xúc dị ứng (biểu hiện là da bị viêm đỏ, nổi mụn, ngứa ngáy khó chịu), viêm da tiếp xúc kích thích (biểu hiện là tấy đỏ, có cảm giác châm chích nhẹ), da nổi mụn mủ…

Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, việc chống hàng giả bằng giải pháp kiểm soát hàng hóa lưu thông từ người bán đến người mua là việc tương đối khó khăn đối với lực lượng chức năng.

Chưa kể, những sản phẩm nhái/giả, kém chất lượng, những sản phẩm dán nhãn handmade, chưa qua kiểm định chất lượng… đều có thể xâm nhập thị trường dễ dàng, thông qua sàn thương mại điện tử.

Việc phát hiện, bắt giữ và xử lý vi phạm của lực lượng chức năng, đối với việc mua bán sản phẩm kém chất lượng thông qua hình thức thương mại điện tử, đều chỉ như “muối bỏ bể”.

san-pham-my-pham-handmade-khong-nhan-mac.jpeg
Nhiều loại mỹ phẩm handmade bán trên mạng xã hội không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Mập mờ chất lượng sản phẩm handmade

Rất dễ dàng để tìm kiếm công thức làm các loại mỹ phẩm handmade bằng nguyên liệu tự nhiên trên các công cụ tìm kiếm internet.

Chỉ cần nghiên cứu từ các dữ liệu được người dùng mạng xã hội chia sẻ với nội dung “tự làm…” sản phẩm nào đó là có cảm giác “tự làm” được ra thành phẩm giống như vậy.

Khi bắt tay vào sản xuất và bán sản phẩm làm ra như một loại hàng hóa, người sản xuất dễ nóng vội, chỉ chú trọng vào khâu quảng cáo để thu hút khách hàng.

Theo Thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế, để cơ sở lưu hành các sản phẩm mỹ phẩm handmade, trước tiên, yêu cầu cá nhân, tổ chức tự làm mỹ phẩm cần phải thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Và ngành nghề mà doanh nghiệp, kinh doanh phải phù hợp, để được phép kinh doanh, sản xuất hay nhập khẩu mỹ phẩm.

Tùy vào mục đích, quy mô mà chủ sở hữu muốn thành lập để lựa chọn loại hình doanh nghiệp sao cho phù hợp như công ty TNHH một thành viên, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh, công ty cổ phần…

Sau khi đã thành lập doanh nghiệp, hoặc đăng ký kinh doanh theo hình thức hộ kinh doanh cá thể, cá nhân, tổ chức sẽ tiến hành thủ tục công bố mỹ phẩm handmade theo quy định.

son-duong-moi-mat-ong.jpeg
Mỹ phẩm handmade - son dưỡng môi bằng mật ông được quảng cáo trên mạng xã hội.

Một trong những yêu cầu bắt buộc đối với việc công bố sản phẩm mỹ phẩm handmade, là người sản xuất phải được cấp phép sản xuất theo quy trình sản xuất đạt chuẩn GMP trong sản xuất mỹ phẩm.

Bộ Y tế sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra hậu mãi đối với những sản phẩm công bố, nếu không đạt tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, điều kiện an toàn thực phẩm và không đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm, cơ quan chức năng sẽ thu hồi số công bố mỹ phẩm đã cấp cho các sản phẩm công bố trước đó, đồng thời xử lý vi phạm theo quy định.

Không ít chủ cơ sở sản xuất mỹ phẩm handmade bỏ qua quy trình công bố sản phẩm nói trên, nhất là khâu kiểm định quy trình sản xuất, để từ đó được công nhận chất lượng sản phẩm.

Tất nhiên, lợi dụng tâm lý của người tiêu dùng và người sản xuất, nhiều đối tượng trà trộn hàng rởm, kém chất lượng chen vào chuỗi mua bán sản phẩm. Để tạo niềm tin cho khách hàng, các đối tượng, thậm chí, còn “tự tạo ra giấy kiểm nghiệm chất lượng” cho sản phẩm đang buôn bán.

Chuyên gia da liễu đã khuyến cáo: Ngày nay, các sản phẩm handmade có mặt khắp nơi, và được nhiều người tin dùng bởi nguồn gốc từ các nguyên liệu trong thiên nhiên. Tuy nhiên độ tin cậy rất mơ hồ và hầu như chất lượng, tính năng, hiệu quả của sản phẩm chỉ dừng lại ở quảng cáo.

Các cơ sở sản xuất mỹ phẩm handmade không có được dây chuyền sản xuất, đội ngũ nghiên cứu chuyên nghiệp, quy trình sản xuất bài bản… như các hãng mỹ phẩm uy tín. Cho nên, hiệu quả của sản phẩm trên đối với người dùng tiêu rất “hên”-“xui”.

Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp bị tổn thương da, da dị ứng do sử dụng mỹ phẩm tự handmade. Nhiều trường hợp da bị tổn thương nặng đến mức khó phục hồi.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, những sản phẩm gây hại này, chắc chắn trong thành phần không hoàn toàn có nguồn gốc từ tự nhiên. Chưa kể, người sản xuất có thể đã thay đổi công thức, nhưng chưa qua kiểm nghiệm nên gây hại cho người sử dụng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ phẩm handmade: Cẩn thận 'tiền mất tật mang'