Trong bối cảnh môi trường địa chính trị quốc tế bất ổn như hiện nay, đặc biệt kể tới cạnh tranh Mỹ-Trung, các cường quốc nên có cách tiếp cận thận trọng và khéo léo hơn, thể hiện trách nhiệm của mình trong quản trị toàn cầu.
Đối thoại Shangri-La hay Hội nghị an ninh cấp cao châu Á vừa khép lại hôm 2-6 “phủ bóng” bởi nhiều vấn đề phức tạp của an ninh khu vực và quốc tế. Trong bối cảnh các nhà lãnh đạo phải cùng lúc chú tâm vào nhiều biến số phức tạp, nguy cơ về những tính toán sai lầm giữa các bên ngày một gia tăng.
An ninh khu vực dậy sóng
Đối thoại Shangri-La được tổ chức trong bối cảnh các cuộc chiến đang diễn ra ác liệt ở Gaza và Ukraine, đồng thời căng thẳng và cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày càng gia tăng.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Ảnh: GETTY IMAGES
Một trong những màn “đấu khẩu” kịch tính nhất của diễn đàn Shangri-La năm nay chính là giữa Trung Quốc và Philippines, khi hai nước gần đây thường xuyên có những đụng độ trên Biển Đông. Các cuộc đụng độ hai bên có tần suất ngày một lớn, có thể kể đến như vụ va chạm giữa tàu Trung Quốc và Philippines vào tháng 3, hay việc lực lượng hải cảnh Trung Quốc sử dụng vòi rồng chống lại tàu Philippines.
Những diễn biến phức tạp này phần nào đã thúc đẩy Philippines củng cố mối quan hệ an ninh với đồng minh Mỹ. Trung Quốc đã chỉ trích Mỹ đóng “một vai trò cực kỳ đáng hổ thẹn” khi hỗ trợ Manila. Bắc Kinh cũng kêu gọi các nước trong khu vực cảnh giác với “lợi ích địa chính trị” của Washington và duy trì quyền tự chủ để giữ ổn định cho khu vực.
Đài Loan cũng trở thành tiêu điểm của Shangri-La năm nay. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân đã dành phần lớn thời gian để đề cập vấn đề này. Hội nghị năm nay diễn ra chỉ một tuần sau khi Trung Quốc tổ chức các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn quanh Đài Loan, nhằm “trừng phạt” bài phát biểu nhậm chức của nhà lãnh đạo Đài Loan Lại Thanh Đức. Ông Đổng Quân phát biểu rằng Bắc Kinh cam kết “thống nhất hòa bình” với Đài Loan, nhưng “những kẻ ly khai Đài Loan và các thế lực bên ngoài” đang phá hoại triển vọng đó.
Mặc dù không chỉ đích danh Mỹ, ông Đổng cáo buộc một số nước bán vũ khí cho Đài Loan và âm mưu “dùng Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc”. Ông Đổng chỉ ra rằng “các thế lực bên ngoài” đã triển khai tên lửa tầm trung trong khu vực, làm suy yếu nghiêm trọng an ninh và ổn định khu vực – ám chỉ rõ ràng đến việc Mỹ triển khai hệ thống tên lửa tầm trung lần đầu tiên ở miền bắc Philippines trong cuộc tập trận hồi tháng 4.
Khối NATO châu Á?
Trước những diễn biến an ninh phức tạp trong khu vực, Mỹ và các đồng minh đang triển khai và củng cố hơn nữa mạng lưới liên minh liên kết của mình. Điều này được phản ánh rất rõ ràng trong tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tại Shangri-La năm nay, khi ông đề xuất mô hình “các sáng kiến và thể chế chồng chéo và bổ sung lẫn nhau”.
Bên lề Hội nghị Shangri-La, Bộ trưởng Austin, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Minoru Kihara và Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik đã gặp để thảo luận về các cuộc tập trận chung ba bên mới, cũng như đồng ý thiết lập Khung hợp tác an ninh ba bên trong năm nay nhằm nỗ lực thể chế hóa hợp tác quốc phòng giữa ba nước.
Trước đó, Mỹ cũng đã gia tăng hợp tác quốc phòng với các đồng minh như tính đến khả năng mở rộng Hiệp định đối tác tăng cường an ninh ba bên Mỹ-Anh-Úc (AUKUS) và thiết lập các cơ chế hợp tác thông qua các cơ chế “phi chính thức” như các bộ ba, bộ bốn.
Trung Quốc đương nhiên là lên án và chỉ trích những động thái này. Trung tướng Cảnh Kiến Phong - Phó Tham mưu trưởng Bộ tham mưu liên hợp Quân uỷ trung ương Trung Quốc - tố cáo Mỹ “gây hỗn loạn và căng thẳng” ở khu vực, và cáo buộc chiến lược của Washington ở khu vực nhằm mục đích “gây chia rẽ, kích động đối đầu và làm suy yếu sự ổn định”. Ông Phong chỉ trích Mỹ đang xây dựng “một phiên bản Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)” tại châu Á “để duy trì quyền bá chủ do Mỹ đứng đầu”.
Nguy cơ tính toán sai lầm
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm nóng cốt lõi trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc giờ đây còn cần phải thể hiện trách nhiệm và bổn phận ngày một nhiều hơn ở các khu vực khác trên thế giới.
Trong cuộc chiến tại Ukraine, Trung Quốc được cho là hành động chưa đủ nhằm góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng này. Tại Shangri-La năm nay, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc Bắc Kinh hợp tác với Moscow để phá hoại hội nghị thượng đỉnh hòa bình về Ukraine ở Thụy Sĩ trong tuần này.
Các quốc gia trong khu vực cũng đang kêu gọi Trung Quốc có tiếng nói mạnh mẽ hơn nhằm giải quyết những vấn đề liên quan căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Wonsik cho rằng Bắc Kinh có thể đảm nhận “vai trò chủ động hơn” trong việc hợp tác với Triều Tiên để thúc đẩy phi hạt nhân hóa.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân tại Đối thoại Shangri-La 2024 ở Singapore. Ảnh: EPA-EFE
Về vấn đề tại Đông Nam Á, tại các phiên thảo luận đặc biệt, Trung Quốc cũng được kỳ vọng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp giải quyết cuộc khủng hoảng Myanmar. Tuy nhiên, theo bình luận của ông Igor Driesmans - đặc phái viên của Liên minh châu Âu (EU) tại Myanmar, dù các biện pháp ngừng bắn do Trung Quốc đề xướng có thể tạm thời hạn chế xung đột. Nhưng Myanmar cần một giải pháp bền vững hơn và toàn diện hơn.
Với bối cảnh hiện nay, "thật nguy hiểm khi coi các cuộc xung đột khác nhau là không liên quan chỉ vì chúng cách xa nhau về mặt địa lý", theo Thủ tướng Estonia - bà Kaja Kallas. Rõ ràng, ngay cả tại diễn đàn an ninh của châu Á-Thái Bình Dương, vẫn có sự xuất hiện của các cuộc thảo luận về các vấn đề an ninh và chiến lược khác nhau đang sôi sục trên thế giới ngày nay. Điều đó cho thấy an ninh thế giới đang ngày chịu tác động của tính toàn cầu hoá, phụ thuộc sâu sắc lẫn nhau giữa các bên.
Vì thế, những bài toán mà Trung Quốc phải giải hiện nay không còn chỉ nằm ở Đài Loan hay Biển Đông, mà đó còn là ở Ukraine, Gaza, Myanmar hay Triều Tiên. Nhưng trong bối cảnh tình hình ở Đài Loan hay Biển Đông đã đủ làm đau đầu các nhà lãnh đạo Trung Quốc, việc có thêm những biến số phức tạp khác vào phương trình khiến bài toán quản trị của Trung Quốc trở nên thách thức hơn. Câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có khả năng tung hứng được đến đâu, và đến khi nào?
Trong bối cảnh những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa hạ nhiệt, việc phải tính toán thêm các biến số phức tạp, khó lường khác càng khiến cho giới lãnh đạo Trung Quốc có nguy cơ tính toán sai lầm và đẩy căng thẳng lên cao. Ông Eugene Tan - GS luật quốc tế tại ĐH Quản lý Singapore - nói rằng Mỹ và Trung Quốc là những nhân tố chi phối rất lớn đến tình hình an ninh của châu Á trong thập niên này và hơn thế nữa.
Vì vậy, bất kỳ sự cố nào cũng có thể nhanh chóng dẫn đến tính toán sai lầm và mọi việc có thể xấu đi khi sử dụng vũ lực. Và bất kỳ một sự cố ở khu vực nào, cũng có thể dẫn đến những hệ quả tồi tệ. Chẳng hạn, một sự cố ở Biển Đông, nếu không được quản trị tốt, sẽ dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng. Các nhà phân tích cảnh báo rằng, khi các sự cố trở nên phổ biến hơn, nguy cơ tính toán sai lầm ngày càng tăng có thể kéo Mỹ, một đồng minh của Philippines, vào cuộc đối đầu với Trung Quốc.
Điều này hàm ý rằng các cường quốc cạnh tranh nhau, đặc biệt là cạnh tranh Mỹ-Trung nên có cách tiếp cận thận trọng và khéo léo hơn, thể hiện trách nhiệm của mình trong quản trị toàn cầu.