(GDTĐ) - Du lịch Bắc Kạn được biết tới với các địa danh như Hồ Ba Bể, Động Puông, Thác Đầu Đẳng, bản Pác Ngòi….Tuy nhiên, thời gian gần đây, có một địa danh du lịch ở Bắc Kạn đang thu hút rất đông khách du lịch trẻ đến khám phá và trải nghiệm. Đó là Na Rì.
Na Rì là huyện vùng núi cao thuộc phía Đông Bắc của tỉnh Bắc Kạn. Với diện tích tự nhiên hơn 85.000 ha, Na Rì được thiên nhiên ưu đãi, địa hình đồi núi trải dài tạo nên cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, huyền bí. Vùng đất Na Rì còn lưu giữ được những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của đồng bào các dân đã sinh sống lâu đời tại đây.
Điểm đến đầu tiên của du khách đó là thác Nà Đăng xã Lương Thành. Nằm giữa khung cảnh núi rừng hùng vĩ, thác nước chảy từ đỉnh núi cao hơn 100m xuống trông như một dải lụa mềm mại, mát lành và thanh sạch.
Không xa thác Nà Đăng là động Nàng Tiên thuộc xã Lương Hạ. Động ăn sâu xuống lòng núi khoảng 60m, cửa động cao 6m, rộng 6m, trần động cao khoảng từ 30-50m. Trong động có nhiều nhũ đá, cột đá và măng đá tạo hình cảnh tiên nữ, cảnh rồng bay, phượng múa huyền ảo, lung linh. Trong động có nhiều ngách nhỏ dài từ chục mét đến hàng nghìn mét thông ra sườn núi. Xung quanh núi là những thửa ruộng bậc thang uốn lượn. Người dân nơi đây gọi là ruộng tiên, suối tiên.
Na Rì còn có khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ thuộc địa phận các xã Kim Hỷ, Lương Thượng, Lạng San, Ân Tình, Côn Minh với diện tích trên 14.000 ha. Phần lớn khu bảo tồn là núi đá vôi cùng hàng trăm loài động, thực vật quý hiếm như loài voọc má trắng, sóc, khỉ... Kim Hỷ còn là nơi sinh sống của nhiều chủng loại dơi nhất Việt Nam. Không những thế, đây còn coi là kho gỗ quý của tỉnh Bắc Kạn với rất nhiều cây nghiến, thông núi…
Điểm nhấn của Na Rì là khu nhà cổ có tuổi đời hàng trăm với nét kiến trúc tinh xảo, độc đáo nằm ngay ở thị trấn Yên Lạc. Có những ngôi nhà vẫn còn là nơi chung sống của 3-4 thế hệ trong gia đình. Cứ mỗi buổi chợ đêm, phố cổ lại rộn ràng, hội tụ những món ăn truyền thống độc đáo của địa phương như bánh ngô, bánh khảo, quẩy nóng, bánh sao…mang đậm hương vị của núi rừng. Tất cả đều do các bà, các mẹ, các chị, các em người dân tộc khéo léo tạo thành. Chợ đêm còn là nơi trưng bày và giới thiệu rất nhiều sản phẩm OCOP của địa phương.
Na Rì cũng có nhiều di tích lịch sử như di tích lịch sử Pò Kép xã Văn Vũ; Nha Na Rì tại thôn Bắc Sen, xã Xuân Dương; Đồn Tây tại phố cổ thị trấn Yên Lạc; Nhà văn hóa truyền thống huyện Na Rì…
Cộng đồng các dân tộc sinh sống ở Na Rì như Tày, Nùng, Dao, Mông, Kinh Na Rì còn gìn giữ và phát huy nhiều hoạt động, lễ hội văn hóa mang đậm bản sắc như: Hội Lồng Tồng của dân tộc Tày, Nùng; Hội Xuân của người Mông ở Khuổi Nộc; Chợ tình Xuân Dương (ngày 25/3 âm lịch hàng năm); các lễ hội mừng lúa mới, lễ cưới hỏi…trải nghiệm hát Then, hát Páo dung, các nghi lễ cấp sắc.
Hương vị của ẩm thực Na Rì có nét riêng được tạo ra bằng những gia vị đặc sản của núi rừng. Có thể kể đến các món đặc biệt như: thịt trâu gác bếp, miến dong thái tay - đặc sản chỉ ở vùng núi Thác Giềng, bánh ngải, lạp xưởng hun khói, cá sông nướng, gà rừng, trám đen, canh gà nấu gừng.
Với sự đổi thay từng ngày, vùng đất Na Rì đã và đang trở thành một địa điểm du lịch tiềm năng, thu hút không chỉ khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm quan, trải nghiệm. Du lịch cũng sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội để các nhà đầu tư gây dựng sự nghiệp, phát triển cùng cộng đồng.