Năm 2023, người lao động kỳ vọng tăng 20-30% lương khi nhảy việc

21/01/2023, 09:16
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Theo Báo cáo Khảo sát lương 2023, nếu nhảy việc, 19,33% người lao động tham gia khảo sát kỳ vọng mức lương tăng ít nhất 30%, 19,18% kỳ vọng tăng ít nhất 20% so với thu nhập bình quân.

Báo cáo dựa trên phân tích từ hơn 4.100 ứng viên tại 23 ngành nghề trên cả nước. Ảnh: Artem Podrez/Pexels.

Mới đây, Navigos Group công bố Báo cáo Khảo sát lương 2023: Thực trạng thu nhập & Kỳ vọng của người lao động dựa trên phân tích từ hơn 4.100 ứng viên tại 23 ngành nghề trên cả nước.

Phổ biến nhất là ngành Xây dựng và Bất động sản, chiếm tỷ lệ 11,23%. Tiếp theo là Công nghệ thông tin và viễn thông (9,34%), Thiết bị Điện tử (7,52%), Bán lẻ/ Bán buôn (7,50%), Thực phẩm và đồ uống & Ngành hàng tiêu dùng nhanh (7,13%).

Phần lớn người tham gia khảo sát đa phần thuộc thế hệ Gen Y - 69,28%, Gen Z chiếm 19,03%. Tiếp theo là Gen X với 11,59% và một phần nhỏ người thuộc thế hệ Baby Boomers.

Kỳ vọng mức lương

Theo báo cáo, năm 2022, chế độ phúc lợi, tiền lương của người tham gia khảo sát hầu hết bao gồm lương cơ bản và bảo hiểm y tế cá nhân. Sau đó là phụ cấp ăn uống, nghỉ phép 12 ngày, thưởng năm...

Ba yếu tố hàng đầu giữ chân người lao động làm việc ở công ty hiện tại là môi trường làm việc, lương và văn hóa doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong năm 2022, do đang trong giai đoạn phục hồi sau dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp chưa thể áp dụng chính sách tăng lương hấp dẫn hơn cho nhân viên. 23,29% số người được hỏi cho biết mức lương không đổi trong năm vừa rồi.

Khi được hỏi về sự kỳ vọng về chính sách lương thưởng của công ty trong năm 2023, gần một nửa người tham gia khảo sát (45,62%) kỳ vọng lương sẽ được tăng đều hàng năm từ 10% trở lên.

Ngoài ra, người lao động kỳ vọng có thêm nhiều phúc lợi từ các hoạt động tập thể, văn hóa, văn nghệ, du lịch, trợ cấp vào các ngày lễ, nghỉ trong năm...

Bên cạnh đó, người lao động cũng mong đợi sự an toàn từ doanh nghiệp, sự nghiệp vẫn ổn định khi có các yếu tố/rủi ro bất ngờ xảy ra và kỳ vọng văn hóa doanh nghiệp thay đổi với môi trường cởi mở và thẳng thắn chia sẻ thông tin.

Trong 3-6 tháng tới, gần một nửa người tham gia khảo sát (44,28%) chưa có ý định thay đổi công việc mới trừ khi tìm thấy cơ hội mới tốt hơn. Tuy nhiên, nếu nhảy việc, 19,33% kỳ vọng mức lương tăng ít nhất 30%, 19,18% kỳ vọng tăng ít nhất 20% so với thu nhập bình quân.

Tuy nhiên, năm 2022, mức tăng thực tế chỉ 5-10% hoặc không thay đổi. Những kỳ vọng nói trên đang là con số khá cao.

tuyen dung 2023 anh 1

23.29% số người được hỏi cho biết mức lương không đổi trong năm 2022. Ảnh: Pexels.

Xu hướng việc làm năm 2023

Trao đổi với Zing, bà Đặng Trịnh Nhã Hương - Giám đốc khu vực miền Nam của Navigos Search - dự đoán trong năm 2023, một số nhóm ngành nghề sẽ có nhu cầu tuyển dụng tăng bao gồm bất động sản khu công nghiệp, cảng biển và xuất nhập khẩu, ngành sữa, ngân hàng (chỉ với nhóm các vị trí tuyển dụng thiên về chuyển đổi số), Lương thực thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, dệt may, công nghệ thông tin, năng lượng, dầu khí, xây dựng (phân khúc nhà xưởng - khu công nghiệp và hạ tầng).

Các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng giảm như ngân hàng, bán lẻ bất động sản thương mại, chế biến gỗ nội thất, ngành thép.

Từ những yêu cầu tuyển dụng phía khách hàng, bà Hương nhận định trong năm 2023, các doanh nghiệp có khuynh hướng muốn tìm kiếm những ứng viên đa năng, linh hoạt khi đảm đương, tiếp nhận công việc mới bất kỳ.

"Nhà tuyển dụng cũng sẵn sàng đưa ra nhiều chế độ đãi ngộ mới để quan tâm và chăm lo cho đời sống cá nhân của nhân viên", bà Hương nói và cho biết một số xu hướng làm việc của năm 2023 sẽ ngày càng được doanh nghiệp và người lao động quan tâm như:

  • Đa năng và đa dạng hóa đầu mục công việc để sẵn sàng nhận thêm nhiệm vụ công việc mới: Sau khủng hoảng và đình trệ kinh tế trong năm vừa qua, nhiều doanh nghiệp sẽ lựa chọn xây dựng bộ máy nhân sự đa năng, phụ trách nhiều lĩnh vực khác nhau, biết ứng dụng công nghệ số vào quy trình làm việc để tối ưu hoạt động kinh doanh.
  • Làm việc từ xa hoặc làm việc kết hợp ở bất kỳ nơi đâu: Thói quen làm việc tại nhà vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 trong năm 2022 cho thấy các nhân viên (đặc biệt trong ngành công nghệ) có thể hoàn thành tốt công việc dù không tới văn phòng. Đó cũng là lý do phần lớn người lao động sẽ tiếp tục xu hướng này.
  • Tự chủ trong công việc: Xu hướng này đóng vai trò quan trọng vì đem lại nhiều ích lợi cho bản thân người lao động và tổ chức mà họ làm việc. Sự chủ động trong công việc giúp người lao động gặt hái nhiều cơ hội trong sự nghiệp, làm việc năng suất hơn, giải quyết vấn đề nhanh chóng, hiệu quả hơn.
  • Quan tâm đến chế độ đãi ngộ nhân viên: Không chỉ cung cấp các yếu tố liên quan đến vật chất như lương, thưởng, nhà tuyển dụng sẽ quan tâm hỗ trợ nhiều hơn đến sức khỏe tinh thần, tăng thời gian nghỉ phép, linh động làm việc tại nhà - công ty, chủ động ghi nhận nhiều hơn cho nhân viên về thành tích làm việc của họ...

Từ xu hướng đó, bà Hương khuyên ứng viên ngoài việc hiểu về doanh nghiệp mình ứng tuyển, nhu cầu của nhà tuyển dụng thì cần chú trọng vào một số điểm như tư duy phát triển, lãnh đạo tự thân, sự chủ động cao, lên kế hoạch tốt và dứt khoát trong mọi việc (hoàn thành đúng thời hạn công việc được giao), quản lý công việc tốt và có một sức khỏe tốt.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Năm 2023, người lao động kỳ vọng tăng 20-30% lương khi nhảy việc