Quy hoạch

Năm 2025, sẽ thu phí 12 tuyến đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư

PV 09/07/2024 19:03

(GDTĐ) - Ngay từ đầu năm 2025, sẽ thu phí 12 tuyến đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư đã hoàn thành và đưa vào vận hành, khai thác.

Mức thu phí đảm bảo hài hòa lợi ích cho người dân

Luật Đường bộ quy định cho phép thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư. Đến năm 2025 sẽ có 12 tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư hoàn thành và đưa vào vận hành, khai thác, đang được cơ quan quản lý tính toán mức thu phí để đảm bảo hài hòa lợi ích cho người dân.

ha-noi(3).jpg
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Cục Đường bộ Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông Vận tải Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác thác thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông Vận tải.

Theo đó, các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư được phép triển khai thu phí là công trình được thiết kế, đầu tư xây dựng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường cao tốc; đường cao tốc đã hoàn thành thi công xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng; đã hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt hạ tầng trạm thu phí, hệ thống phần mềm, thiết bị đảm bảo công tác vận hành, phục vụ việc thu phí theo quy định.

Đối chiếu với các điều kiện trên, theo thống kê Cục Đường bộ Việt Nam, hiện có 12 dự án/đoạn tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, đại diện chủ sở hữu, đã hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng có thể triển khai thu phí.

Các dự án/đoạn tuyến cao tốc này gồm: cao tốc Lào Cai-Kim Thành, Hà Nội-Thái Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương, Cao Bồ-Mai Sơn, Mai Sơn-Quốc lộ 45, Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu, Cam Lộ-La Sơn, La Sơn-Hòa Liên, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây, Mỹ Thuận-Cần Thơ.

Trong số này có tới 8 dự án thuộc tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông vừa được đưa vào khai thác.

Số lượng các tuyến đường bộ cao tốc đang xây dựng đến năm 2025 gồm: Bãi Vọt-Hàm Nghi, Hàm Nghi-Vũng Áng, Vũng Áng-Bùng, Bùng-Vạn Binh, Vạn Ninh-Cam Lộ, Hòa Liên-Túy Loan, Quảng Ngãi-Hoài Nhơn, Hoài Nhơn-Quy Nhơn, Quy Nhơn-Chí Thạnh, Chí Thạnh-Vân Phong, Vân Phong-Nha Trang, Cần Thơ-Cà Mau sẽ triển khai thu phí sau khi hoàn thành dự án.

Để xác định mức phí cho các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết đã dựa trên 4 nguyên tắc, trong đó đáng lưu ý là việc mức thu đảm bảo hợp lý, hài hòa với mức thu dịch vụ sử dụng đường bộ và đường cao tốc đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP). Mức thu cho phép người sử dụng đường cao tốc chia sẻ lợi ích với Nhà nước. Do đó, mức thu phải thấp hơn lợi ích người sử dụng đường cao tốc thu được.

Có thể nhượng quyền thu phí cho tư nhân quản lý, khai thác

Ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết có 2 hình thức thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư gồm Nhà nước tự tổ chức thực hiện và thứ hai là nhượng quyền cho tư nhân quản lý, khai thác.

“Cục Đường bộ Việt Nam đã chuẩn bị các phương án, nếu tư nhân không làm thì Nhà nước phải làm trên tinh thần cung cấp dịch vụ công đảm bảo tính liên tục cho người sử dụng. Về mức phí, cục đã nghiên cứu các kịch bản, tính toán, làm sao đảm bảo cân bằng giữa dịch vụ cung cấp đến người sử dụng và mức thu. Các bước đi sẽ được tiến hành thận trọng, tránh tác động quá lớn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chi phí logistics,” ông Thái nhìn nhận.

Phó giáo sư-tiến sỹ Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng mô hình Nhà nước làm đường rồi bán quyền thu phí, đấu thầu quản lý theo hình thức hợp đồng kinh doanh-quản lý (O&M) đã được áp dụng hiệu quả từ lâu tại nhiều nước.

“Mô hình O&M có nhiều ưu điểm như Nhà nước không phải nuôi bộ máy quản lý, thu phí và có ngay một khoản tiền để tái đầu tư các tuyến cao tốc mới. Vấn đề là làm sao để chọn được nhà thầu chuyên nghiệp, có năng lực về công nghệ, thiết bị,” ông Chủng phân tích thêm.

Với mô hình này, theo ông Chủng, Nhà nước quản lý, giám sát quá trình khai thác, vận hành thông qua hợp đồng kinh tế, qua đấu thầu công khai, thể hiện rõ quyền và nghĩa vụ giữa các bên. Riêng các tuyến cao tốc có lưu lượng thấp, khó thu hút nhà đầu tư, Nhà nước cần xây dựng mức giá phù hợp, thời gian thu phí có thể dài hơn, đảm bảo khả thi phương án tài chính cho nhà đầu tư.

Bài liên quan
Danh tính nạn nhân tử vong vụ sập cầu chui dân sinh đang thi công trên cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang
Vụ tai nạn lao động xảy ra vào khoảng 19h ngày 16/9/2024 tại khu vực thi công cầu chui đường cao tốc Tuyên Quang đi Hà Giang.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Năm 2025, sẽ thu phí 12 tuyến đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư