Trồng người

Năm đó chuẩn bị vào Đại học, cha dượng xé giấy nhập học của tôi - 7 năm sau ngẫm lại, tôi biết ơn ông rất nhiều!

Ứng Hà Chi, 24/06/2024 19:30

Nhìn lại hành trình đã qua, tôi thật sự biết ơn cha dượng đã giúp tôi đưa ra quyết định đúng đắn. Thật tốt khi ngày đó, tôi lựa chọn học Đại học thay vì đi làm lao động tay chân.

Bài viết là lời chia sẻ của Châu Giang, 32 tuổi, sống tại Vũ Hán, được đăng tải lên Toutiao (MXH Trung Quốc).

Tôi sinh ra ở một ngôi làng nhỏ miền núi, nơi có núi sông tươi đẹp. Nơi tôi ở tuy cuộc sống mọi người còn nhiều khó khăn nhưng họ đều chăm chỉ, chịu thương chịu khó. Như gia đình tôi cũng vậy, cha đã làm việc từ lúc bình minh cho đến khi mặt trời lặn. Ông nuôi sống gia đình 4 người bằng đôi bàn tay cần cù của mình.

Tuy nhiên, những tháng ngày hạnh phúc chẳng kéo dài lâu, cha tôi ra đi vì đột quỵ, khi đó tôi mới 8 tuổi. Cha mất đúng ngày sinh nhật tôi, điều này khiến tôi càng thêm đau buồn. Mới lúc sáng, khi chuẩn bị ra đồng, cha còn ân cần dặn: "Con ngoan, đợi cha về rồi cả nhà cùng chúc mừng sinh nhật con", vậy mà ông ra đi nhanh như vậy.

Sau khi cha tôi qua đời, mẹ con tôi đã trải qua một thời gian khó khăn về cơm áo gạo tiền. Mẹ không được lòng bà nội tôi nên thường xuyên bị mắng mỏ. Trước đây, có cha tôi bảo vệ, giờ cha mất đi, mẹ bị nghe quát mắng như cơm bữa. Cuộc sống của 3 mẹ con thật chẳng dễ chịu chút nào.

Tôi nhớ có lần anh trai làm vỡ lọ hoa, bà nội đã tát anh tôi rất đau. Mẹ đi làm về chứng kiến cảnh này liền cãi lại kịch liệt với bà. Buổi tối hôm đó, mẹ hỏi 2 anh em tôi có muốn chuyển đến nơi khác sống, mẹ hứa sẽ mang lại cuộc sống tốt.

Năm đó chuẩn bị vào Đại học, cha dượng xé giấy nhập học của tôi - 7 năm sau ngẫm lại, tôi biết ơn ông rất nhiều! - Ảnh 1.

(Ảnh minh hoạ)

Quyết định rời khỏi căn nhà có bà nội

Ngày hôm sau, mẹ thu dọn hành lý và đưa 2 anh em tôi đi. Trước khi đi, mẹ tôi đã rơi nước mắt. Tôi nghĩ mẹ đã bất đắc dĩ phải rời khỏi đây. Suy cho cùng, chúng tôi đã sống ở đây lâu như vậy nếu không vì sự qua đời đột ngột của cha tôi thì có lẽ đây sẽ mãi mãi là ngôi nhà của chúng tôi. Chỉ tiếc là mọi chuyện không như mong đợi, cha không còn nữa, gia đình này cũng không còn chỗ cho mấy mẹ con tôi.

Tôi không biết mẹ đã đưa đi đâu, chỉ biết đó là một chuyến đi xe dài. Đó là lần đầu tiên 2 anh em tôi được đi tàu và đi xa đến như vậy. Mọi thứ xung quanh tôi đều mới mẻ. Tôi nhìn khung cảnh xa dần ngoài cửa sổ, tôi bắt đầu khao khát thế giới đầy màu sắc bên ngoài.

Chúng tôi đi tàu suốt đêm và xuống tàu vào khoảng 6 giờ sáng. Vừa ra khỏi ga, một người đàn ông trạc tuổi cha tôi đã nhanh chóng giật lấy chiếc vali từ tay mẹ tôi. Tôi tưởng mình đã gặp phải người xấu, nhưng mẹ lại nói: "Đây là chú Lý, hàng xóm trước đây nhà mình, con còn nhớ không?". Chú ấy gầy, hiền lành và có vẻ tốt bụng.

Chú Lý còn tặng món quà nhỏ cho 2 anh em tôi. Mẹ ngồi nói chuyện với chú Lý một hồi lâu, có quá nhiều câu chuyện để kể. Mấy mẹ con tôi chuyển đến một căn nhà thuê dưới sự hỗ trợ của chú Lý. Ngôi nhà được bố trí một phòng ngủ và một phòng khách, diện tích không lớn, tuy nhiên, đầy đủ tiện nghi.

Nhà của chú Lý không xa nơi chúng tôi ở, chỉ cách khoảng chục căn nhà. Trước khi ra về, chú còn nấu một bữa ăn thịnh soạn mời mấy mẹ con tôi thưởng thức sau nhiều giờ ngồi tàu mệt mỏi. Tài nấu nướng của chú Lý không tệ, giỏi hơn cha tôi rất nhiều.

Năm đó chuẩn bị vào Đại học, cha dượng xé giấy nhập học của tôi - 7 năm sau ngẫm lại, tôi biết ơn ông rất nhiều! - Ảnh 2.

(Ảnh minh hoạ)

Bắt đầu một cuộc sống mới....

Sau khi mẹ thu xếp cho tôi đi học, theo lời giới thiệu của chú Lý, mẹ tôi đi làm ở một nhà máy do bạn chú làm chủ. Mẹ tôi mỗi ngày rất bận rộn. Mẹ đi sớm và về nhà muộn, còn 2 anh em tôi tự đi học mỗi ngày.

Khi trời mưa gió, nếu mẹ không kịp đến đón, chú Lý sẽ đến đón 2 anh em tôi. Mẹ luôn áy náy trước sự giúp đỡ nhiệt tình của chú Lý. Nhưng chú chỉ cười hiền từ: "Người cùng quê nên hỗ trợ nhau. hơn nữa, cô còn vất vả nuôi 2 con ăn học". Dần dần, cảm mến tình cảm của chú Lý, mẹ hỏi 2 anh em tôi về ý định sẽ kết hôn lần nữa.

Lúc đầu, 2 anh em tôi không vui bởi cha là người không thể thay thế được trong lòng. Chúng tôi không muốn gọi người đàn ông khác là "cha". Nhưng sau khi biết câu chuyện thuở xưa của mẹ và chú Lý, tôi đã không còn tức giận. Hoá ra, 2 người là "thanh mai trúc mã", vì nhiều lý do nên ngày ấy, mẹ đã cưới cha tôi chứ không phải là chú Lý. Và chú Lý vì quá luỵ tình nên ra nước ngoài một thời gian làm việc, không kết hôn.

Cha qua đời đã nhiều năm, mẹ cũng nên tìm cho mình một bờ vai vững chắc để dựa vào. Câu chuyện tình của mẹ và chú Lý quả thật khiến tôi xúc động. Tôi nhận thấy người đàn ông này cũng tốt bụng, hiền lành, quan tâm, yêu thương mẹ tôi thật lòng. Anh em chúng tôi mong muốn mẹ sẽ có được hạnh phúc về sau của cuộc đời.

Mẹ và chú Lý sinh thêm một em bé sau kết hôn. Nhưng anh em tôi không hề có cảm giác bị ra rìa, đối xử phân biệt. Chúng tôi là gia đình 5 người vô cùng hạnh phúc, cuộc sống vẫn đầy ắp tiếng cười như trước đây.

Cha dượng xé giấy nhập học của tôi

Năm ấy, tôi thi vào Đại học nhưng trượt 3 nguyện vọng đầu, tôi chỉ đỗ trường Đại học thấp, điểm số lẹt đẹt. Biết chuyện, mẹ rất buồn vì đã đặt nhiều kỳ vọng vào tôi. Còn tôi đã khóc suốt đêm vì cho rằng bản thân mình kém cỏi. Tôi loay hoay giữa 2 lựa chọn: 1 là đi học Đại học làng nhàng, 2 là đi học nghề. Tôi cũng nghĩ giờ bằng cấp không quan trọng, chỉ cần chăm chỉ làm việc sẽ có tương lai tốt đẹp.

Nhưng sau đó, chú Lý - sau này tôi gọi là cha dượng đã xé thư mời nhập học của tôi trước cả nhà. Cha khuyên tôi nên nghỉ ở nhà 1 năm, tập trung ôn luyện cho kỳ thi Đại học năm sau. Cha đã động viên tôi rất nhiều, chỉ ra cho tôi thấy sự quan trọng của việc học.

Năm đó chuẩn bị vào Đại học, cha dượng xé giấy nhập học của tôi - 7 năm sau ngẫm lại, tôi biết ơn ông rất nhiều! - Ảnh 3.

(Ảnh minh hoạ)

"Cha đi nhiều hơn con, trải nghiệm nhiều hơn, vì thế cha thấy được lợi ích to lớn của việc học. Con hãy nỗ lực để chinh phục ước mơ của mình nhé. Cha mẹ sẽ làm việc để hỗ trợ con trong 1 năm, con đừng suy nghĩ quá nhiều. Trình độ học vấn cao sẽ dẫn con đến một cuộc sống hoàn toàn khác", cha dượng ôn tồn.

Biết tâm lý tôi bất an, xấu hổ vì điểm kém, cha dượng an ủi: "Châu Giang, đôi khi kết quả kiểm tra không phải là quan trọng nhất. Điều quan trọng là thái độ của con với mọi việc. Nếu con hạnh phúc cả về thể chất lẫn tinh thần, con sẽ đạt được kết quả ngoài mong đợi".

Những ngày sau đó, tôi luôn ghi nhớ những lời cha dượng dặn tôi: không được kiêu ngạo hay nóng nảy, hãy giữ thái độ bình thường và phản ứng tích cực.

Kết quả không ngờ, năm sau, điểm số của tôi tăng vọt, tôi trúng tuyển vào Đại học hạng 2. Ngày tôi nhập học, cha dượng khệ nệ xách đồ đến ký túc xá cho tôi, dặn dò tôi đủ chuyện. Tôi cảm động, nước mắt chực rơi xuống. Tôi tự nhủ sẽ chăm chỉ học tập để đền đáp công ơn của mẹ và cha dượng.

4 năm sau tôi ra trường đi làm, may mắn được nhận vào 1 công ty lớn. Nhờ làm việc chăm chỉ nên chỉ sau 3 năm, tôi đã lên vị trí quản lý với thu nhập tốt. Tôi cũng mua được cho mình một căn hộ nhỏ. Nhìn lại hành trình đã qua, tôi thật sự biết ơn cha dượng đã giúp tôi đưa ra quyết định đúng đắn. Thật tốt khi ngày đó, tôi lựa chọn học Đại học thay vì đi làm lao động tay chân.

Trong tương lai, tôi sẽ làm việc chăm chỉ hơn để báo đáp công ơn của mẹ và cha dượng.

Theo Toutiao

Theo Đời sống & Pháp luật
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/nam-o-chuan-bi-vao-ai-hoc-cha-duong-xe-giay-nhap-hoc-cua-toi-7-nam-sau-ngam-lai-toi-biet-on-ong-rat-nhieu-a437652.html
Copy Link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/nam-o-chuan-bi-vao-ai-hoc-cha-duong-xe-giay-nhap-hoc-cua-toi-7-nam-sau-ngam-lai-toi-biet-on-ong-rat-nhieu-a437652.html
Bài liên quan
Khởi tố, bắt giam Giám đốc Đại học Huế Lê Anh Phương
Ông Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế, có sai phạm khi đang giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Năm đó chuẩn bị vào Đại học, cha dượng xé giấy nhập học của tôi - 7 năm sau ngẫm lại, tôi biết ơn ông rất nhiều!