Theo bảng xếp hạng QS Ranking 2024, Đại học Stanford là ngôi trường xếp thứ 5 trong số những ngôi trường tốt nhất thế giới. Để vào được Đại học Stanford, bạn phải là “học bá” trong những “học bá”. Hàng năm, tỷ lệ chấp nhận của Đại học Stanford hàng năm đều rất thấp, dưới 4%. Đơn cử như khóa 2026 có 56.378 sinh viên nộp đơn ứng tuyển vào trường nhưng chỉ có 2.075 sinh viên được nhận, với tỷ lệ chấp nhận là 3,68%.
Khó là vậy, nhưng đã có không ít “học bá” Việt Nam đỗ vào ngôi trường top đầu thế giới này. Cái tên gần nhất ghi tên vào danh sách trúng tuyển của trường là Nguyễn Đức Tùng - một nam sinh đến từ trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tùng là học sinh lớp chuyên Pháp của trường THPT chuyên Ngoại ngữ. Thật ra, hồi thi vào lớp 10, Tùng từng có ý định học chuyên Anh. Tuy nhiên, vì muốn khám phá thêm một ngôn ngữ, văn hóa, đất nước con người mới nên nam sinh đã “hạ cánh” vào lớp chuyên Pháp bằng bài thi kiểm tra chất lượng đầu vào tiếng Anh.
“Mình chọn chuyên Pháp là bởi muốn được khám phá thêm một ngoại ngữ mới, và cá nhân mình thấy tiếng Pháp có phần phức tạp hơn tiếng Anh nhưng cũng có nhiều từ vựng giữa 2 thứ tiếng na ná nhau nên mình cũng thế dễ học hơn”, Tùng nói.
Trong hình dung của nhiều người, nếu bạn học chuyên về ngôn ngữ nào thì sẽ định hướng du học ở những quốc gia sử dụng ngôn ngữ ấy làm tiếng mẹ đẻ. Chẳng hạn khi bạn học chuyên Trung, thì đa phần sẽ chọn đi du học Trung Quốc. Hay nếu bạn giỏi tiếng Đức thì sẽ ước mơ được đặt chân đến những nơi sử dụng tiếng Đức thường xuyên.
Cũng là “dân” ngoại ngữ nhưng Đức Tùng lại không nghĩ thế. Ngay từ cấp 2, nam sinh này đã tìm hiểu và thấy “cảm nắng” với hệ thống giáo dục bậc đại học ở Mỹ. Nên sau khi cân nhắc, Tùng đã xác định luôn mục tiêu du học đến “xứ sở cờ hoa”.
Trong quá trình học tập bậc THPT, không chỉ tích cực trau dồi kiến thức, mà Tùng còn năng nổ tham gia các hoạt động ngoại khóa, từ thiện. Việc “tích lũy” hàng dài những thành tích từ cấp 3 giúp ích rất nhiều cho hành trình nộp hồ sơ du học sau này của Tùng.
Xác định sẽ du học Mỹ từ những năm tháng cấp 2, nhưng thực tế phải vào hè năm lớp 10 lên lớp 11, Tùng mới thực sự tìm hiểu sâu hơn về việc apply du học. Cũng kể từ thời điểm đó, nam sinh bắt tay vào xây dựng bộ hồ sơ bằng cách tổng hợp lại những thành tích đã tham gia, rồi liệt kê ra những chứng chỉ cần phải hoàn thiện để thêm vào bộ hồ sơ du học của mình.
Trong suốt hành trình dài chuẩn bị cho việc du học, mùa hè năm 2023 là khoảng thời gian Tùng cảm thấy khó khăn nhất. Chỉ trong mấy tháng ngắn ngủi, nam sinh Chuyên ngữ vừa phải duy trì tham gia các hoạt động ngoại khóa, viết bài nghiên cứu, vừa ôn thi các chứng chỉ ngoại ngữ, giữ vững điểm GPA trên lớp.
Có quá nhiều thứ cần phải giải quyết cùng lúc, nên vào thời điểm đó Tùng còn phải lên một bản kế hoạch chi tiết để tối ưu hóa và phân bổ thời gian sao cho hợp lý. Không ít lần, Tùng phải thức đến 3-4h sáng để chuẩn bị mọi thứ trong bộ hồ sơ du học sao cho chỉn chu nhất.
Cuối cùng, nam sinh đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng như: chứng chỉ tiếng Pháp B1, IELTS 8.5 cùng điểm SAT 1.540/1.600. Cùng với đó là hoàn thành nhiều bộ hồ sơ cho mùa tuyển sinh đại học Mỹ.
“Mình thấy khoảng thời gian ấy dù khó khăn nhưng cũng đáng nhớ vô cùng. Bởi lẽ, mình đã được gặp rất nhiều người bạn, cả trong nước và quốc tế thông qua các hoạt động và mình cũng đã có được những kỷ niệm rất đẹp trong mùa hè vừa qua”, Tùng bộc bạch.
Chỉ tính riêng bài luận để nộp vào Đại học Stanford - ngôi trường mà Tùng muốn chinh phục nhất, đã có tổng cộng 9 bài luận, gồm 1 bài luận chính và 8 bài luận phụ.
Về bài luận chính, nam sinh viết về hành trình tham gia dự án môi trường. Thật ra lúc đầu, Tùng không quá hứng thú với các hoạt động này. Song, trong một lần thử tham gia, nam sinh đã bắt đầu yêu những hoạt động bảo vệ môi trường từ lúc nào không hay.
Hơn nữa, ông ngoại chính cũng chính là người truyền cảm hứng về tình yêu môi trường cho nam sinh. Được biết, ông ngoại của Tùng là chuyên gia đầu ngành về môi trường cũng như ngành luyện kim.
“Mình đã được chứng kiến ông làm việc không ngừng nghỉ, ngồi trước màn hình máy tính và làm việc đến rất muộn mặc dù tuổi ông đã cao. Khi hỏi tại sao ông đã có tuổi nhưng mà còn làm việc chăm chỉ như thế, thì ông trả lời là ông thấy bản thân vẫn còn có thể cống hiến và đóng góp thêm cho môi trường. Chính điều đó đã hun đúc tình yêu môi trường, cùng với đó là sự kiên cường trong mình”, Tùng tâm sự.
Còn trong những bài luận phụ, nam sinh ấn tượng nhất với bài luận về chủ đề gửi một bức thư cho người bạn cùng phòng trong tương lai. Đầu tiên, nam sinh nhấn mạnh mình là một người luôn muốn được gặp gỡ và nói chuyện với mọi người xung quanh. Để minh họa cho việc này, Tùng lấy ví dụ về những lần được trò chuyện cùng những chú lái xe taxi. Khi đó, người thì kể cho Tùng nghe một kỷ niệm xa xôi từ những ngày gian khó, người thì dạy nam sinh cách chơi chứng khoán… Mỗi người đi qua cuộc đời đều tác động ít nhiều đến chúng ta. Từ đây, nam sinh nêu bật việc mình rất hứng thú khi lắng nghe câu chuyện của mọi người xung quanh, trong đó có cả câu chuyện của bạn cùng phòng tương lai.
Tiếp theo, Tùng viết về sở thích chụp ảnh và quay video của mình. Nếu có thời gian ở Stanford, cậu bạn mong muốn bộ nhớ điện thoại sẽ đầy ắp những tấm ảnh đẹp, những kỷ niệm phong phú nơi đây, từ tia nắng mặt trời buổi xế chiều hay là cả những bức ảnh chụp chữ viết của giáo sư ở trên bảng… Những khoảnh khắc tuy nhỏ bé nhưng thật lấp lánh và đầy nhiệm màu.
Ngoài ra, đoạn cuối bài viết thì Tùng liệt kê một vài “fun fact” của bản thân, đó chính là việc playlist nhạc của nam sinh có hơn 700 bài nhạc. Theo Tùng, điều này giúp Tùng chứng tỏ bản thân luôn cởi mở với những gợi ý mới, dù là âm nhạc, hay là với bất cứ gì khác. Và nam sinh mong mình và người bạn cùng phòng của mình trong tương lai sớm có thể gặp mặt và “chill chill” cùng nhau dưới mái trường Stanford.
Theo Tùng, những đề luận của Stanford đã cho cậu bạn cơ hội được thể hiện cá tính và tính cách của bản thân nhiều hơn, thông qua một giọng văn có phần hơi “khác khác” so với những bài luận học thuật trước đó. Và bởi thế, Tùng nghĩ một yếu tố quan trọng, và có lẽ là quan trọng nhất trong các bài luận là phải cho người đọc được biết về chính con người mình là ai, thay vì chỉ đi liệt kê thành tích.
Tổng kết lại mùa tuyển sinh đại học Mỹ năm nay, Đức Tùng đã “thắng lớn” khi nhận được 10 thư báo trúng tuyển, trong đó có của Đại học Stanford.
Hiện tại, ngoài việc ôn tập cho kì thi tốt nghiệp THPT 2024, nam sinh sẽ cố gắng dành nhiều thời gian bên gia đình và bạn bè nhất có thế. Ngoài ra, nam sinh cũng sẽ tranh thủ “học lỏm” công thức nấu một vài món ăn truyền thống Việt Nam từ bà và mẹ để sang Mỹ có thể tự trổ tài.
Là một người hòa nhập khá nhanh, nên nam sinh không quá lo lắng về vấn đề “sốc” văn hóa. Tuy nhiên, việc phải đối diện với những “học bá” Stanford đến từ khắp nơi trên thế giới khiến nam sinh e dè đôi chút. Dẫu vậy, nam sinh vẫn không giấu nổi sự hào hứng khi sắp được học tập cùng các bạn. Tùng tin đó là thử thách và cũng là cơ hội để bản thân phát triển thêm.
“Tại một trường đại học như Stanford thì chắc chắn sẽ có những học sinh thật sự rất giỏi và tài năng. Mình cũng có lo rằng bản thân khó có thể bắt kịp được với các bạn học sinh khác. Nhưng mình có đọc qua những bài đăng của những tân học sinh có nỗi lo giống mình, thì được những anh chị ‘tiền bối’ khuyên rằng hãy tự tin vào năng lực của bản thân. Sau một thời gian, mình sẽ khám phá được hết những cơ hội và những trải nghiệm tuyệt vời mà Stanford có dành cho sinh viên”, Tùng vui vẻ khi nghĩ đến hành trình sắp tới.
https://kenh14.vn/nam-sinh-chuyen-phap-do-dh-stanford-nho-bai-luan-tiet-lo-fun-fact-hong-ngay-giao-luu-voi-cac-hoc-ba-toan-cau-20240403214138352.chn