Các bác sĩ khuyến cáo, trong trường hợp gặp rắn, cần nhẹ nhàng tránh càng xa càng tốt. Rắn khá sợ người nên sẽ bỏ đi và chỉ tấn công khi cảm thấy bị đe dọa. Vì vậy, không được bắt rắn, đuổi hoặc dồn ép giết chết rắn. Bởi, rắn dù đã chết vẫn có thể chứa nọc độc nguy hiểm.
Trong tất cả các trường hợp bị rắn tấn công, cần đưa nạn nhân đến cơ sở y tế nhanh chóng và an toàn nhất. Quá trình xử trí bằng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu và theo dõi tại bệnh viện phải được tiến hành ít nhất trong 12 giờ đầu. Nếu để lâu, kết quả điều trị sẽ rất kém hoặc không hiệu quả.
Lưu ý, không nên áp dụng bừa bãi kinh nghiệm dân gian để sơ cứu khi bị rắn cắn. Không sử dụng băng garo cột chặt vào vùng bị cắn vừa làm đau nạn nhân, vừa cản trở máu lưu thông đến các chi gây hoại tử. Không tùy tiện chườm lạnh, bôi hóa chất, đắp lá cây... lên vết thương hoặc uống thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Không rạch, không đâm chích vết thương hoặc cố gắng loại bỏ nọc độc vì không hiệu quả, mà còn có thể khiến nhiễm trùng nặng thêm.