Cảm nhận lần đầu khi đến đây là sự tận tâm của các thầy cô giáo, gần gũi, trách nhiệm, ngoài chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, các thầy cô còn hướng dẫn các em kỹ năng sống, lao động, ôn bài...
Cũng giống như Ba Bể, Pắc Nặm là một trong những huyện vùng cao còn nhiều khó khăn của tỉnh Bắc Kạn, địa hình chủ yếu là đồi núi, giao thông đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa nên việc phát triển mô hình trường nội trú và bán trú để học sinh yên tâm đến trường được xem là giải pháp hiệu quả, phù hợp với đặc thù ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa.
Hiện nay trên địa bàn huyện Pắc Nặm có 41 trường với khoảng hơn 7000 học sinh, hầu hết các em đều là người dân tộc thiểu số và có hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù ngân sách địa phương còn eo hẹp nhưng huyện luôn dành sự quan tâm cao nhất đối với việc nâng cao chất lượng học tập cho các em học sinh vùng cao.
Đa số các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn đều chuyển sang hình thức nội trú và bán trú. Cơ sở vật chất, thiết bị liên quan đến việc học tập, sinh hoạt đều được chú trọng đầu tư. Đội ngũ cán bộ, giáo viên tâm huyết và có trình độ đạt chuẩn, trên chuẩn.
Thầy Dương Văn Hải – Hiệu trưởng trường PTDT nội trú THCS Pắc Nặm chia sẻ: "Hiện nay, nhà trường có 245 em học sinh được chia làm 7 lớp và tất cả đều là học sinh dân tộc thiểu số. Nhà trường đã thực hiện khá tốt việc chăm lo đời sống cho các em học sinh, bên cạnh việc dạy kiến thức, nhà trường còn phải cố gắng nỗ lực rất lớn để đảm bảo cho các em chỗ ăn ở, sinh hoạt ngay tại trường.
Mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng với sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhà trường cơ bản đủ điều kiện và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập của các em học sinh".
![]() |
Một giờ học tại trường PTDT nội trú THCS Pắc Nặm |
Trường PTDT nội trú THCS Pắc Nặm là một trong những ngôi trường có không gian đẹp, quy củ, nhiều hoa, cây xanh nhờ bàn tay chăm bón của các thầy cô và học sinh nơi đây. Một ngôi trường thân thiện, nơi đó các thầy cô giáo nỗ lực hết mình để tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh, vì sự phát triển của giáo dục vùng cao.