"Các đơn vị cần phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn để đào tạo và công nhận kỹ năng nghề cho học sinh. Tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động giáo dục hướng nghiệp - dạy nghề truyền thống phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương", ông Công cho hay.
Để chất lượng vùng DTTS nâng cao nội dung dạy tiếng DTTS cũng được quan tâm, chú trọng. Các đơn vị tiếp tục duy trì và phát triển quy mô trường, lớp, học sinh học tiếng Bahnar và Jrai.
Cùng với đó xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức dạy học phù hợp với điều kiện của địa phương, đơn vị trường học. Cụ thể, dạy học các tiếng Bahnar, Jrai, lớp 1, lớp 2, lớp 3 theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và triển khai dạy từ lớp 4 đến lớp 5 theo chương trình và sách giáo khoa đã ban hành. Đối với các đơn vị trường học có nhiều học sinh DTTS, các phòng GDĐT chủ động, tích cực tham mưu với UBND huyện trong việc xây dựng kế hoạch, đề án dạy học tiếng DTTS.
Ngoài ra, tăng cường phối hợp với các cơ quan như: Ban Dân tộc, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch… để xây dựng các ấn phẩm sách, báo bằng tiếng nói, chữ viết DTTS nhằm cung cấp thêm tài liệu tham khảo cho giáo viên và học sinh trong dạy học. Đồng thời tổ chức các lớp dạy tiếng DTTS cho cán bộ, công chức, viên chức công tác ở vùng DTTS, miền núi. Đặc biệt thực hiện đầy đủ, đảm bảo chế độ, chính sách phát triển giáo dục vùng DTTS.
Cùng với việc dạy học tiếng DTTS, các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng DTTS cũng được quan tâm. Trong đó, chú trọng xây dựng môi trường giao tiếp, giao lưu tiếng Việt cho trẻ em, học sinh. Bên cạnh đó bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ (người DTTS) về tăng cường tiếng Việt cho trẻ em, học sinh DTTS.