Nhận định về đợt nắng nóng lần này, TS. Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về Biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết, Bắc Trung Bộ và đồng bằng Bắc Bộ có đợt nắng nóng từ 18-23/6, đúng vào dịp Hạ Chí nên cảm giác nắng nóng sẽ khá gay gắt. Hạ Chí là ngày mà toàn bộ Bắc bán cầu sẽ nghiêng về phía Mặt trời nên thời tiết được cho là nóng nhất trong năm. Tiết Hạ Chí có nhiệt độ nóng ẩm, tạo điều kiện cho các loài động thực vật phát triển, nguồn thức ăn dồi dào. Hạ Chí là thời điểm cây trồng phát triển mạnh mẽ, mùa màng cũng cho thu hoạch. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm vi sinh vật sinh sôi mạnh, có thể gây hại khá lớn cho con người. Hạ Chí trong năm 2023 sẽ bắt đầu vào ngày 21 tháng 6 và kết thúc vào ngày 6 tháng 7 theo lịch Dương, khi tiết Tiểu Thử bắt đầu.
Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Chuẩn bị phương án vừa thiếu nước phát điện, vừa thiếu nước sản xuất
Về tình hình hạn hán và thiếu nước các hồ chứa thủy điện, TS. Nguyễn Ngọc Huy cho biết, năm 2015 và 2016 là hai năm hạn hán khốc liệt nhất và cũng là năm có El Nino mạnh nhất từng được ghi nhận. Năm 2015 chỉ có 2 cơn bão đi vào đất liền của Việt Nam và hệ quả là cuối năm 2015, đầu năm 2016 hạn hán khốc liệt ở phạm vi 18 tỉnh thành của Việt Nam, đặc biệt ở Tây Nguyên và dọc sông Mêkong. Năm 2019 chỉ có 2 cơn bão vượt qua được dãy Trường Sơn để gây mưa bên thượng nguồn sông Mekong, và hệ quả là đầu năm 2020 hạn hán xảy ra ở hạ lưu Sông Mekong. Năm 2019 cũng là năm có El Nino.
TS. Huy nhận định, năm nay đã gần hết tháng 6 mà Tây Thái Bình Dương mới xuất hiện 2 cơn bão lớn. Cả 2 cơn bão này không đi vào Biển Đông. Trong Biển Đông có 2 áp thấp nhiệt đới yếu chưa tiếp cận vào đến bờ nên không tạo ra đợt mưa nào đáng kể ở đất liền. Mùa bão ở Tây Thái Bình Dương thường xuất hiện vào mùa Hè - Thu, còn các cơn bão đi vào Biển Đông thường xuất hiện vào các tháng 8-9-10 và 11. Như vậy mùa bão chính vẫn chưa đến nhưng nếu kịch bản lặp lại như năm 2015 thì cuối năm 2023 và đầu năm 2024 sẽ thiếu nước nghiêm trọng.
Các số liệu cũng chứng minh các năm có El Nino thì số lượng các cơn bão và áp thấp nhiệt đới sẽ ít hơn các năm có La Nina hay năm thường (ENSO). El Nino 2023-2024 được dự báo có phương sai nhiệt độ trung bình là +1.5. Như vậy nó không khốc liệt như năm 2015-2016. Tuy vậy, điều bất lợi là lượng nước tích lũy của năm 2022 ở các hồ chứa không còn đủ dùng cho nửa năm 2023. Đang vào mùa mưa nhưng hầu hết các hồ chứa thủy điện đã xuống mực nước chết.
"Ở phía Bắc, lượng mưa tuần đầu tháng 6 không đáng kể, sang tuần thứ 2 mới bắt đầu tích nước về hồ nhưng lượng nước khá ít chỉ đủ phát điện cầm chừng. Thủy điện như ăn đong từng bữa. Vậy nên, nếu không có bão vào phía Nam Trung Quốc như mọi năm thì sẽ không có hoàn lưu bão phía Tây Bắc và các hồ chứa vẫn "đói nước". Kịch bản này sẽ khá bất lợi cho giai đoạn mùa khô cuối năm 2023 đầu năm 2024. Vừa thiếu nước phát điện, vừa thiếu nước sản xuất", TS. Nguyễn Ngọc Huy nhận định.