Nói về những thiệt thòi của nghề, cô Đào Thị Thạnh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Du Lễ, huyện Kiến Thụy (TP Hải Phòng) chia sẻ: Ngoài công việc ở trường, ai cũng có gia đình nhưng với đặc thù công việc đòi hỏi giáo viên mầm non phải chấp nhận thiệt thòi, áp lực, cả sự hy sinh; thậm chí nặng việc trường, nhẹ việc nhà… để cống hiến trọn vẹn cho nghề. Xã hội có người hiểu và chắc chắn còn nhiều người chưa biết, phần lớn thời gian trong ngày, giáo viên mầm non dành cho trường, lớp với hàng loạt công việc liên quan tới trẻ.
Tại Trường Mầm non Du Lễ, cô giáo Nguyễn Thúy Vân có chồng là bộ đội, đóng quân ở Lạng Sơn. Lập gia đình nhiều năm, cô Vân gần như một mình nuôi dạy 2 con nhỏ, không có người thân ở gần hỗ trợ.
“Ngày nào cũng chiều muộn tôi mới về nhà. Các con dường như quen với công việc của mẹ. Thi thoảng phụ huynh đón trẻ về sớm, tôi được nghỉ và về nhà sớm hơn thường lệ. Thấy mẹ, các con mừng lắm, chúng nói: “Ngày nào mẹ cũng về sớm thế này, bảo gì con đều vâng lời”.
Nghe mong muốn của con mà ứa nước mắt. Có hôm con ốm, tôi phải nhờ hàng xóm trông giúp vì trường chẳng có giáo viên thay thế. Rồi những ngày mưa gió sấm chớp, mẹ phải đi sớm đến trường đón trẻ, con tự đạp xe đi học, đến trường quần áo con ướt hết. Thương con nhưng không biết làm gì khác…”, cô Vân chia sẻ.
Cũng công tác ở Trường Mầm non Du Lễ có cô Phạm Thị Phương dạy lớp 4 tuổi. Chồng cô Phương làm việc tận TP Hồ Chí Minh, cô bị bệnh ung thư, con gái đầu lòng học tiểu học tàn tật bàn tay trái. Cuộc sống của cô và con gái đã khó còn thêm bao nỗi lo.
“Những hôm mưa to, con phải đi bộ đến trường vì không thể tự đi xe, mẹ thì tới lớp sớm đón trẻ. Con mong ước, hằng ngày có bố đèo đến trường như bao bạn khác, mẹ nấu cơm cho ăn vào mỗi buổi trưa, gọi dậy đi học vào đầu giờ chiều. Nhưng có lẽ, những người mẹ làm giáo viên mầm non như tôi khó có thể thực hiện mong ước bình dị của con cái…”, cô Phương nói.
“Với thời gian làm việc từ 11 - 12 giờ/ngày, chúng tôi ít có thời gian nghỉ ngơi, làm việc gia đình. Kể cả khi trẻ nghỉ trưa các cô giáo vẫn phải chuẩn bị công việc liên quan tới dạy học buổi chiều (làm đồ dùng dạy học, đồ chơi, dọn dẹp…).
Cũng giống như giáo viên cấp học khác, giáo viên mầm non phải chuẩn bị công phu bài giảng để khi dạy phù hợp với lứa tuổi và trẻ dễ tiếp thu. Thế nhưng, năng khiếu, sự tận tâm cống hiến, hết lòng vì nghề của giáo viên mầm non chỉ dừng lại ở việc xã hội, phụ huynh ghi nhận. Còn những đãi ngộ, lương thưởng chưa đi đôi cùng cống hiến”.
Cô Đào Thị Thạnh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Du Lễ