Nền kinh tế lớn báo cáo âm, con số ở Việt Nam hứa hẹn kỷ lục: Khát vọng vượt xa trở thành công xưởng

Minh Khôi | 16/11/2023, 08:07
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Khát vọng của Việt Nam vượt xa việc trở thành công xưởng. Việt Nam mong muốn trở thành một nền kinh tế bền vững và tiên tiến về công nghệ.

Chúng tôi xin lược dịch bài viết của Drew Bernstein, đồng chủ tịch và đồng sáng lập Marcum Asia - công ty kiểm toán và tư vấn - đăng trên tạp chí Forbes về tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam.

Chuyến đi gần đây của tôi tới Việt Nam đã nhấn mạnh sức hấp dẫn của khu vực Đông Nam Á trong việc khéo léo thúc đẩy sự phát triển kinh tế giữa bối cảnh cạnh tranh giữa các nước lớn ngày một gia tăng.

Tôi đã đến Hà Nội để tham dự Diễn đàn Quỹ đầu tư Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023, một sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức. Hội nghị thượng đỉnh là buổi ra mắt của Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp sau khi nâng cấp quan hệ với Mỹ trong chuyến thăm của Tổng thống Biden vào tháng 9.

Sự kiện có sự góp mặt của hàng trăm doanh nhân khởi nghiệp trong nước mong muốn gặp gỡ các công ty đầu tư mạo hiểm nước ngoài và khu vực.

Những người tham gia đều là những người trẻ tuổi, lạc quan và có học thức tốt. Các công ty về các lĩnh vực bao gồm trí tuệ nhân tạo, công nghệ gen, năng lượng tái tạo, công nghệ giáo dục và fintech. Bầu không khí làm tôi nhớ đến Trung Quốc hai thập kỷ trước, khi vốn và chuyên gia nước ngoài được chào đón, đồng thời tiềm năng tăng trưởng dường như không giới hạn.

Địa điểm lý tưởng "hút" đầu tư

Việt Nam nổi lên là một trong những nước chiến thắng hiếm hoi trong bối cảnh phi toàn cầu hóa gần đây nhờ chính sách "ngoại giao cây tre" sáng suốt. Chính sách này đã cho phép Việt Nam nâng cấp quan hệ với phương Tây trong khi vẫn duy trì mối quan hệ tích cực với đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc.

Ngoại giao tre được thể hiện trong "4 không" của Việt Nam: không liên minh quân sự, không chọn phe, không đặt căn cứ quân sự nước ngoài và không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Quốc gia này đã đầu tư rất nhiều vào giáo dục và cơ sở hạ tầng trong khi đưa ra mức lương chỉ cao bằng một nửa so với Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam đã áp dụng một loạt chính sách nhằm dỡ bỏ các rào cản đối với đầu tư nước ngoài. Và nước này vẫn còn nguồn lao động nông thôn chưa được khai thác để thu hút, với tỷ lệ đô thị hóa hiện ở mức 38% so với 65% ở Trung Quốc, theo dữ liệu của Statista.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lưu ý rằng Việt Nam đã đàm phán các hiệp định thương mại tự do với 15 quốc gia, cho phép Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực mà không phải chịu thuế quan.

Những yếu tố này đã khiến Việt Nam trở thành địa điểm lý tưởng cho các công ty đa quốc gia đang tìm cách giảm rủi ro cho chuỗi cung ứng của họ bằng chiến lược sản xuất "Trung Quốc+1".

Nền kinh tế lớn báo cáo âm, con số ở Việt Nam hứa hẹn kỷ lục: Khát vọng vượt xa trở thành công xưởng - Ảnh 1.

Hiện nay, Samsung tuyển dụng 200.000 người ở Việt Nam và đã đầu tư 17 tỷ USD vào cơ sở vật chất để sản xuất điện thoại thông minh và các thiết bị khác. Theo Reuters, Foxconn Technology gần đây vừa đầu tư 246 triệu USD vào hai dự án tại tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, 200 triệu USD dành cho nhà máy sản xuất bộ sạc và linh kiện EV, dự kiến bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 1/2025 với khoảng 1.200 nhân công.

Trong chuyến đi của Tổng thống Biden, Nvidia và MicrosoftMSFT cũng đã công bố hợp tác nghiên cứu AI với Việt Nam và Synopsys cam kết mở các trung tâm thiết kế chất bán dẫn trong nước.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài dự kiến sẽ đạt kỷ lục mới trong năm nay, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước, lên 15,3 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2023, theo Investment Monitor. Điều này xảy ra ngay cả khi ở các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, FDI âm trong quý 3 lần đầu tiên kể từ khi mở cửa nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, Bloomberg lưu ý.

Khát vọng vượt xa việc trở thành công xưởng

Khát vọng của Việt Nam vượt xa việc trở thành công xưởng. Việt Nam mong muốn trở thành một nền kinh tế bền vững và tiên tiến về công nghệ, đồng thời đạt được vị thế thu nhập trung bình cao theo con đường mà các nhà lãnh đạo châu Á như Hàn Quốc và Singapore đã vạch ra trong nhiều thập kỷ qua.

Việt Nam gần đây đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6% đến 6,5% vào năm 2024 và nền kinh tế kỹ thuật số của nước này dự kiến sẽ tăng trưởng 20% một năm, đạt 45 tỷ USD vào năm 2025. Để đạt được mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030, tốc độ tăng trưởng cao như vậy cần phải được duy trì trong vài năm tới.

Để đạt được những mục tiêu đó sẽ đòi hỏi phải khai thác những ước mơ và động lực dồi dào của các doanh nhân trẻ như những người tôi đã gặp tại Diễn đàn Quỹ đầu tư Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023.

Thế hệ tiếp theo của Việt Nam tỏ ra háo hức học hỏi từ bên ngoài, chấp nhận rủi ro và bắt đầu những hoạt động kinh doanh chưa được hình thành. Các doanh nhân nói với tôi rằng họ cảm thấy thời điểm của mình đã đến. Sau vài ngày làm việc với họ, tôi tin chắc rằng quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam chỉ mới bắt đầu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nền kinh tế lớn báo cáo âm, con số ở Việt Nam hứa hẹn kỷ lục: Khát vọng vượt xa trở thành công xưởng