Trong khi đó, Nghị định 44 đã chia công tác xác định giá đất, thẩm định giá đất cấp tỉnh làm 2 công đoạn. Theo đó, công đoạn xác định giá đất do Sở Tài nguyên Môi trường chủ trì, nhưng công đoạn thẩm định giá đất lại do Sở Tài chính chủ trì và lại giao cho Sở Tài chính là thường trực của Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể (Giám đốc Sở Tài chính là Phó Chủ tịch Hội đồng) nên chưa thật phù hợp với quy định của Luật Đất đai 2013.
Bởi, khoản 1 Điều 17 Nghị định 44 lại quy định “1. Căn cứ vào nhu cầu định giá đất cụ thể tại địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường lập kế hoạch định giá đất cụ thể trình UBND cấp tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt”.
Còn điểm b khoản 3 Điều 16 Nghị định số 44 lại quy định “3. Việc thẩm định phương án giá đất do Hội đồng thẩm định giá đất thực hiện, UBND cấp tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định giá đất bao gồm các thành phần sau: (…) b) Đại diện lãnh đạo Sở Tài chính làm thường trực Hội đồng; đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND cấp huyện nơi có đất; tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất hoặc chuyên gia về giá đất và các thành viên khác do UBND cấp tỉnh quyết định”.
Hiệp hội nhận thấy, điểm b Khoản 3 Điều 16 có mục đích nhằm bảo đảm tính độc lập giữa công tác xác định giá đất với công tác thẩm định giá đất, bởi lẽ về bản chất thì Sở Tài nguyên Môi trường và Sở Tài chính đều là một bộ phận của cơ quan nhà nước cấp tỉnh, thuộc UBND cấp tỉnh, nên hoàn toàn có thể giao cho 01 Sở là Sở Tài nguyên Môi trường hay là Sở Tài chính chủ trì, phối hợp.
Tuy nhiên, thực tế khi “cắt khúc” công tác xác định giá đất với công tác thẩm định giá đất giao cho từng Sở thì lại phát sinh bất cập như trên thực tế vừa qua, đã có trường hợp phương án giá đất do Sở Tài nguyên Môi trường trình lên Hội đồng có thể bị Sở Tài chính với tư cách là thường trực của Hội đồng “bác”, phải làm lại, mất thêm thời gian thực hiện công tác này.