Trường ĐH có sứ mệnh là nơi cung cấp tri thức khoa học và công nghệ, nơi sáng tạo và phát triển, truyền bá tri thức. Đổi mới sáng tạo là quá trình biến tri thức khoa học và công nghệ thành tiền.
Kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy hầu hết các đổi mới công nghệ quan trọng đều bắt nguồn từ các trường ĐH, chuyển giao thông qua các hoạt động chia sẻ tri thức, nghiên cứu và phát triển.
GS.Phạm Hồng Chương cho rằng, trong giai đoạn hậu Covid-19, việc hạn chế những tổn thương kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn đã trở thành yêu cầu trong chính sách toàn cầu, và đổi mới sáng tạo luôn được xem là động lực cốt lõi mang lại sự phát triển kinh tế.
Để hóa giải lực cản đối với hoạt động đổi mới sáng tạo của các nền kinh tế đang phát triển và của Việt Nam, GS.Phạm Hồng Chương cũng khẳng định vai trò rất quan trọng của các trường ĐH.
Theo đó, các trường không chỉ đóng vai trò truyền thống là hoạt động GD-ĐT, mà ngày nay còn có thêm nhiệm vụ và sứ mệnh mới. Đó là phải tự đổi mới để kết nối với các doanh nghiệp và góp phần đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp thông qua việc thiết kế các chương trình mới, khóa học mới để cung cấp nguồn nhân lực cần thiết cho doanh nghiệp. Đồng thời, trở thành vườn ươm nhân tài, hỗ trợ các nhân tài có cơ hội học hỏi, nghiên cứu, làm việc tại các Trung tâm nghiên cứu phát triển, các start up...
Các đại biểu tham dự buổi lễ công bố Báo cáo về "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số ở Châu Á để thúc đẩy năng suất". |
Theo bà Antoinette M. Sayeh - Phó Tổng Giám đốc Điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế - Châu Á đóng góp 60% số lượng bằng sáng chế của toàn thế giới, nhưng đổi mới sáng tạo lại không dẫn đến tăng năng suất. Điều này cho thấy, chất lượng đổi mới sáng tạo không phải lúc nào cũng cao một cách nhất quán và đòi hỏi phải có sự cải thiện về chất lượng các sáng chế để chuyển hóa thành năng suất cao hơn.
Tốc độ truyền bá công nghệ từ doanh nghiệp đi đầu và các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chậm, không có được sự chuyển giao công nghệ, truyền bá tri thức mạnh mẽ khiến hoạt động đổi mới sáng tạo đang tập trung vào một nhóm các doanh nghiệp lớn, trong khi số đông gồm các doanh nghiệp nhỏ vẫn đang tụt hậu phía sau. Do đó, phải có chính sách thu hẹp khoảng cách giữa các doanh nghiệp đi đầu và doanh nghiệp đi sau.
“Thúc đẩy đẩy bảo hộ sở hữu trí tuệ là cần thiết, nhưng không nên tạo ra khoảng cách về mặt công nghệ giữa các doanh nghiệp. Tốc độ truyền bá tri thức chậm thì không thể dẫn đến nâng cao năng suất của nền kinh tế”, bà Antoinette Sayeh nhận định.
Nêu một số khuyến nghị, bà Antoinette Sayeh cho rằng Việt Nam cần ưu tiên các cải cách gồm: Tăng cường hạ tầng số của quốc gia nhằm cải thiện tiếp cận thông tin và công nghệ; nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động trẻ ở nhiều quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động.
Bên cạnh đó, cần khắc phục những hạn chế về nguồn vốn mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đối mặt để giúp họ áp dụng công nghệ mới. Việc gia tăng tiếp cận tài chính sẽ giúp các nhà phát minh giới thiệu sản phẩm mới của họ.
Tạo thuận lợi cho việc áp dụng các công nghệ mới thông qua đơn giản hoá các quy định quản lý nhà nước phù hợp với ngành công nghệ số đang phát triển, cải thiện môi trường pháp lý (trong đó có những quy định về bảo mật dữ liệu và bảo hộ sở hữu trí tuệ) và tạo thuận lợi cho thương mại số.