GDTĐ - Nga bác bỏ cáo buộc đứng sau “kế hoạch thực hiện các cuộc tấn công phá hoại” nhằm vào nhiều căn cứ Mỹ ở châu Âu.
Nhiều căn cứ quân sự Mỹ trên khắp châu Âu hôm 30/6 đã nâng mức cảnh báo về Điều kiện Bảo vệ Lực lượng (FPCON) "Charlie".
"Charlie" là mức báo động cao thứ hai, "được áp dụng khi có sự cố xảy ra hoặc nhận được thông tin tình báo về khả năng xảy ra hành động khủng bố hoặc nhắm mục tiêu vào nhân sự hoặc cơ sở quân sự của Mỹ".
Đây là lần đầu tiên trong "ít nhất 10 năm" qua họ mới nâng cảnh báo lên mức này, đồng nghĩa đã nhận được nguồn tin "đáng tin cậy về các mối đe dọa".
CNN hôm 9/7 dẫn các nguồn giấu tên cho biết sở dĩ nhiều căn cứ Mỹ ở châu Âu khi đó được đặt trong tình trạng báo động cao bởi có thông tin tình báo rằng “các tác nhân được Nga hậu thuẫn đang lên kế hoạch thực hiện các cuộc tấn công phá hoại" .
Moscow đã bác bỏ các cáo buộc này và nhấn mạnh thông tin trên CNN "vô căn cứ".
Bộ Tư lệnh châu Âu của quân đội Mỹ đã từ chối bình luận về thông tin này nhưng nói rằng "việc chúng tôi tăng cường cảnh giác không liên quan đến bất kỳ mối đe dọa đơn lẻ nào".
Trong những tháng gần đây Nga còn bị cáo buộc đứng sau vụ đốt phá một nhà kho ở London, Anh, vụ hỏa hoạn tại một cửa hàng IKEA ở Lithuania, vụ tấn công đốt phá nhằm vào một nhà máy sơn của Ba Lan, vụ quan tài ở Pháp …
Tình báo Nga cũng bị cáo buộc thao túng người dân địa phương phạm tội để phá vỡ sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine.
Đáp lại, phía Moscow cho biết chính Ukraine đang sử dụng thường xuyên cách thức như vậy để gây thiệt hại cho Nga, bao gồm phá hoại cơ sở hạ tầng đường sắt, dụ phi công Nga đánh cắp và lái chiếc máy bay ném bom chiến lược mang đầu đạn hạt nhân Tu-22M3 tới Ukraine, âm mưu phá hoại tàu Đô đốc Kuznetsov.
Điện Kremlin hồi tháng 5 cũng đã bác bỏ các tuyên bố trên tờ Financial Times rằng có nguy cơ gia tăng đáng kể các hoạt động phá hoại của Nga ở châu Âu.
“Báo cáo lặp lại những lời buộc tội vô căn cứ chống lại quốc gia chúng tôi" – phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết vào thời điểm đó.