Taliban nắm quyền tại Afghanistan vào giữa tháng 8-2021, khi quân đội Mỹ và NATO rút khỏi nước này sau 20 năm xung đột.
Cho tới nay vẫn chưa có quốc gia nào chính thức công nhận Taliban nắm quyền hợp pháp của Afghanistan. Liên Hiệp Quốc nói rằng việc công nhận "gần như không thể" khi Taliban đang áp dụng những quy định hà khắc đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Moscow kể từ năm 2017 đã tổ chức các cuộc đàm phán với Taliban và các đại diện phe phái khác ở Afghanistan. Tham gia "Thể thức Moscow về Afghanistan" còn gồm các nước Ấn Độ, Iran, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Trung Quốc, Pakistan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan.
Cuộc họp gần nhất được tổ chức vào tháng 11-2022 tại thủ đô nước Nga nhưng không có đại diện của Taliban.
Nga đã nỗ lực nhiều năm để thiết lập mối liên hệ với Taliban, mặc dù Moscow đã liệt nhóm này vào danh sách tổ chức khủng bố vào năm 2003 và chưa đưa ra khỏi danh sách. Bộ Ngoại giao Nga lý giải việc trao đổi với Taliban là cần thiết để giúp ổn định Afghanistan.
Phát biểu tại hội nghị ở TP Kazan, quan chức ngoại giao cấp cao do Taliban bổ nhiệm yêu cầu các quốc gia khác nên ngừng chỉ bảo họ phải làm gì.
"Afghanistan không can thiệp việc cơ chế lãnh đạo cho người khác" - ông Muttaqi nói - "Vì vậy, chúng tôi cũng mong các nước trong khu vực hợp tác với Tiểu vương quốc Hồi giáo hơn là đưa ra các quy định về việc thành lập chính phủ ở Afghanistan".
Taliban gọi chính quyền của họ là Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan.
Ông cũng mời mọi người đến và tận mắt chứng kiến tình hình ở Afghanistan, đồng thời khẳng định rằng "khách du lịch, nhà ngoại giao, nhân viên cứu trợ, nhà báo và nhà nghiên cứu" đến đất nước này một cách tự tin và tự do đi lại.