Lượng khí đốt châu Âu nhập khẩu từ Mỹ lần đầu thấp hơn so với khí đốt Nga cung cấp cho châu lục, dữ liệu mới được công bố cho biết.
Trạm nén khí Russkaya thuộc hệ thống đường ống dẫn khí đốt TurkStream ở vùng Krasnodar, Nga.
Khí đốt châu Âu nhập khẩu từ Nga đã lần đầu vượt Mỹ trong gần 2 năm, tờ Financial Times (FT) của Anh đưa tin.
Tháng trước, nguồn cung khí hóa lỏng (LNG) của Mỹ chiếm 14% tổng nhu cầu của châu Âu và đây là mức thấp nhất kể từ tháng 8/2022. Trong khi đó, khí đốt Nga cung cấp qua đường ống và dưới dạng LNG đã tăng lên mức 15%
Theo báo Anh, sự thay đổi trong tỉ trọng nguồn cung khí đốt cho châu Âu do nhiều nguyên nhân, bao gồm gián đoạn tại một cơ sở xuất khẩu LNG lớn của Mỹ, lượng khí đốt Nga cung cấp qua đường ống TurkStream tăng trước kế hoạch bảo trì từ ngày 5 - 12/6.
Báo Anh cho biết, nhu cầu khí đốt của châu Âu vào thời điểm này ở mức thấp, trong khi các kho dự trữ đang ở mức cao. Bất chấp việc khí đốt Nga cung cấp cho châu âu giảm do xung đột ở Ukraine và đường ống Nord Stream bị hư hại, nhiều quốc gia châu Âu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào khí đốt Nga.
Nga hiện có hai con đường cung cấp khí đốt cho châu Âu nhờ vào đường ống khí đốt qua Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ. Kiev từng tuyên bố sẽ không gia hạn thỏa thuận cho phép tập đoàn Gazprom của Nga vận chuyển khí đốt sau khi thỏa thuận kết thúc vào cuối năm 2024.
Theo báo Nga Vedomosti, khí đốt Nga cung cấp qua đường ống TurkStream đã tăng 40% trong 3 tháng đầu năm nay, lên mức 5,11 tỉ mét khối.
Đầu tháng này, người đứng đầu tập đoàn dầu khí Nga Rosneft, Igor Sechin nói các nước thành viên EU đã chi hơn 630 tỷ USD để nhập nhẩu khí đốt không phải của Nga trong 3 năm qua. Ông Sechin nói con số này bằng tổng số tiền EU chi để mua khí đốt trong 8 năm trước đó.
Tuần trước, Đức đã bất ngờ phản đối biện pháp trừng phạt mới đối với nguồn cung cấp LNG từ Nga. Berlin lo ngại việc mở rộng cấm vận có thể dẫn tới việc nhiều công ty EU phải phá sản do thiếu khí đốt từ Nga.