Vài tiếng trước khi vụ vỡ đê xảy ra vào tối 5-4, hai vết nứt trên thân đê chắn sông Ural đã được phát hiện. Ngay sau đó, lệnh sơ tán đã được ban hành ở khu vực biên giới Nga và Kazakhstan. Tuy nhiên, nước sông lên nhanh đã gây ra những hậu quả nặng nề.
Cộng thêm ảnh hưởng của mực nước dâng, đê chắn sông không thể chứa nổi lượng nước khổng lồ, dẫn đến xảy ra thảm họa vỡ đê.
Một nhân chứng kể lại với The Moscow Times rằng mực nước dâng lên từ mắt cá chân lên tới eo chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Cho đến sáng 6-4, nhiều quận tại Orsk bị “nuốt chửng”. Một ngày sau, mực nước tại nơi này đạt kỉ lục 9,7 m, trong khi đê có thể chịu được tối đa 5,5 m.
Trước tình trạng trên, Ủy ban điều tra vùng Orenburg đã mở cuộc điều tra hình sự sau khi đê bị vỡ. Các nhà chức trách Orenburg cho rằng nguyên nhân khiến đê vỡ là do việc bảo trì đê không đạt yêu cầu.
Hãng thông tấn TASS dẫn lời công tố viên địa phương rằng con đê được hoàn thành vào năm 2010. Các cơ quan giám sát kỹ thuật nhiều lần báo cáo về những vi phạm bảo trì nhưng vẫn không có nhiều cải thiện.
Năm 2020, Cơ quan giám sát Môi trường, Công nghệ và Hạt nhân Nga (Rostekhnadzor) đã phát hiện 38 hành vi vi phạm bảo trì con đê, theo tờ The Washington Post.
Trước đó, năm 2014, Cơ quan giám sát Tài chính Nga mở cuộc điều tra về việc các nhà thầu xây dựng con đê đã chiếm dụng 1,3 triệu USD ngân sách nhà nước.
Chuyên gia Oleg Dyukarev nói với tờ Izvestia rằng: “Sau khi kiểm tra, tôi phát hiện có vi phạm về khối lượng công việc thực tế được thực hiện. Nói đơn giản, công việc chỉ hoàn thành trên giấy tờ, còn thực tế thì không”.
Trước thảm họa 2 ngày, con đê một lần nữa được kiểm tra và giới chức địa phương nói rằng không có bất cứ nguy cơ sụp đổ nào, mặc dù mực nước dâng ngày càng cao.
Chính quyền địa phương ngay sau đó đã bồi thường 500 tới 1.000 USD cho mỗi hộ gia đình bị thiệt hại tài sản, tuy nhiên người dân địa phương đã phẫn nộ vì chi phí này còn quá ít so với căn nhà ngập lụt của họ.
Nga hợp tác Kazahkstan khắc phục lũ lụt Ông Vladimir Yakushev – đặc phái viên của Tổng thống Nga Putin tại khu vực liên bang Urals nói rằng Kazakhstan cần phải chịu trách nhiệm chung vì đã không phối hợp cùng Nga thoát nước hiệu quả, theo Reuters. Ngược lại, các quan chức Kazakhstan phản bác lại rằng phần lớn lượng nước đến từ Nga – nơi có nhiều con sông chảy qua biên giới chung giữa hai quốc gia. Người dân nước này còn nỗ lực làm xuyên đêm để gia cố đê điều. Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Kazakhstan - ông Tokayev đã điện đàm hôm 9-4 để trao đổi về việc đối phó với tình hình lũ lụt, kế hoạch sơ tán người dân và hỗ trợ người dân sau thảm họa thiên tai. Người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov cho biết thêm rằng xuyên suốt cuộc điện đàm hai lãnh đạo đã vạch ra kế hoạch để theo dõi tình hình và thực hiện các biện pháp để ứng phó với thiên tai. |