Giáo dục quốc phòng

Nga sẽ coi tiêm kích F-16 Ukraine là mối đe dọa hạt nhân

07/05/2024 19:58

Moskva nói sẽ coi phi cơ F-16 mà Kiev sắp tiếp nhận là mối đe dọa hạt nhân, gọi việc phương Tây chuyển giao chúng là hành động khiêu khích.

"Không thể bỏ qua thực tế rằng những máy bay này là nền tảng lưỡng dụng, có thể sử dụng cho cả các nhiệm vụ hạt nhân và phi hạt nhân", Bộ Ngoại giao Nga ngày 6/5 cho biết, đề cập tiêm kích F-16 mà phương Tây sắp cung cấp cho Ukraine. "Bất kể mẫu phi cơ này được chuyển giao với cấu hình nào, chúng tôi sẽ coi nó là vũ khí có năng lực hạt nhân và cân nhắc đánh giá động thái này của Mỹ và NATO là sự khiêu khích có chủ đích".

Bộ Ngoại giao Nga cũng cảnh báo Kiev và các nước phương Tây đang đẩy cuộc xung đột tại Ukraine đến ranh giới không thể quay đầu.

"Kiev và các nhà tài trợ phương Tây của nước này nên nhận thức rằng các động thái liều lĩnh của họ đang khiến tình hình đến gần hơn mức đạt 'khối lượng tới hạn' và phát nổ", cơ quan này cảnh báo.

"Khối lượng tới hạn" là thuật ngữ chỉ lượng vật liệu phân hạch tối thiểu cần thiết để duy trì chuỗi phản ứng hạt nhân.

Tiêm kích F-16 Mỹ bay qua Afghanistan tháng 3/2020. Ảnh: Không quân Mỹ

Tiêm kích F-16 Mỹ bay qua Afghanistan tháng 3/2020. Ảnh: Không quân Mỹ

Tiêm kích đa năng F-16 do Mỹ phát triển từ những năm 1970, có giá khoảng 30-35 triệu USD tùy biến thể. F-16 có thể đạt tốc độ tối đa 2.121 km/h ở độ cao 12.000 m, trần bay tối đa 18.000 m với tầm hoạt động 546 km. Nó được trang bị một pháo 6 nòng 20 mm, 11 giá treo có thể mang theo 7,7 tấn vũ khí, trong đó có bom hạt nhân B61 hoặc B63.

Dù vậy, Ukraine không sở hữu vũ khí hạt nhân và chưa có thông tin các đồng minh của Kiev sẽ chuyển giao cho nước này loại khí tài trên.

Theo học thuyết hạt nhân Nga, Moskva có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bị tấn công nguyên tử hoặc phải đối mặt với cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường đe dọa "tồn vong" của quốc gia.

Tư lệnh không quân Ukraine Ilya Yevlash tuần trước cho biết nước này dự kiến tiếp nhận lô F-16 đầu tiên sau ngày 5/5, song không đưa ra thời điểm cụ thể. Một số quốc gia phương Tây như Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy và Bỉ trước đó cam kết sẽ chuyển giao khí tài này cho Kiev.

Tiêm kích F-16 được kỳ vọng sẽ là sự nâng cấp cần thiết cho lực lượng không quân già cỗi của Ukraine, vốn chủ yếu gồm các phi cơ sản xuất từ thời Liên Xô và đã hứng tổn thất nghiêm trọng sau hơn hai năm chiến sự.

Dù vậy, giới chuyên gia cảnh báo nó không phải "vũ khí kỳ diệu" có thể giúp Ukraine thay đổi cục diện chiến trường, vẫn có thể bị các hệ thống phòng không của Nga bắn hạ.

Căng thẳng về vấn đề hạt nhân gần đây gia tăng trong bối cảnh phương Tây đang tăng cường trợ giúp Ukraine về khí tài và đạn được, cũng như đưa ra những tuyên bố có thể vượt "lằn ranh đỏ" với Nga.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuần trước cho biết nước này có thể điều quân tới Ukraine nếu phòng tuyến của Kiev bị chọc thủng, trong khi Ngoại trưởng Anh David Cameron ủng hộ Ukraine dùng tên lửa Storm Shadow do London cung cấp để tập kích mục tiêu trong lãnh thổ Nga.

Tổng thống Vladmir Putin ngày 6/5 ra lệnh cho quân đội nước này chuẩn bị tiến hành diễn tập sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, nhằm đáp trả các phát ngôn "khiêu khích và mang tính đe dọa" của ông Macron và ông Cameron.

Bài liên quan
Nga tuyên bố chặn cuộc tập kích của Ukraine, phá hủy 9 tên lửa ATACMS và 60 UAV
Giới chức Nga ngày 19/5 nói Ukraine đã phóng 9 tên lửa đạn đạo ATACMS do Mỹ cung cấp nhằm vào bán đảo Crimea và phóng ít nhất 60 máy bay không người lái (UAV) tự sát nhằm vào các mục tiêu ở Nga.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nga sẽ coi tiêm kích F-16 Ukraine là mối đe dọa hạt nhân